Tuyến 1: Trung tâm thành phố Hạ Long

Đăng lúc 16:09:14 Ngày 09/10/2019 | Lượt xem 3251 | Cỡ chữ

- Thời gian tham quan: khoảng 6 - 8 tiếng (di chuyển bằng phương tiện ô tô hoặc xe điện).
- Các điểm tham quan trong tuyến: Trung tâm Văn hóa núi Bài Thơ, chùa Long Tiên, đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn, Bài Thơ cổ trên vách đá núi Bài Thơ, nhà thờ Hòn Gai, công viên Hoa Hạ Long, Quảng Trường 30/10, Bảo tàng Quảng Ninh, Thư viện tỉnh Quảng Ninh, chợ Hạ Long I, Trung tâm thương mại Vincom Center Hạ Long.
- Hành trình tham quan: Khởi đầu là các hoạt động tham quan một số đền, chùa, di tích văn hóa nổi tiếng của thành phố Hạ Long như chùa Long Tiên, đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, Trung tâm Văn hóa núi Bài Thơ, tìm hiểu giá trị lịch sử văn hóa của những Bài Thơ cổ trên vách đá núi Bài Thơ, nhà thờ Hòn Gai. Tiếp theo là các điểm tham quan khu vui chơi, văn hóa, thể thao hiện đại của thành phố Hạ Long đó là: công viên Hoa Hạ Long, Quảng Trường 30/10, Bảo tàng Quảng Ninh, Thư viện tỉnh Quảng Ninh. Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình tham quan là chợ Hạ Long 1, du khách đến đây để tham quan hay lựa chọn những món quà lưu niệm, đồ hải sản tươi sống, những món ăn ẩm thực nổi tiếng về làm quà cho bạn bè và người thân.
Chùa Long Tiên: Chùa Long Tiên là một di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa núi Bài Thơ, được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích Cấp quốc gia ngày 31/8/1992. Chùa nằm vị trí khá thuận lợi, nằm ngay trung tâm thành phố Hạ Long, là điểm du lịch tâm linh  thu hút đông đảo du khách thập phương đến thăm hàng năm. Chùa được xây dựng vào năm 1941, là ngôi chùa lớn nhất ở thành phố Hạ Long với phong cách kiến trúc độc đáo, mang phong cách kiến trúc và điêu khắc của các ngôi chùa thời nhà Nguyễn. Trên đỉnh tam quan là tượng phật Adiđà với tư thế ngồi, dưới là gác chuông, nổi bật ba chữ “Long Tiên Tự”. Hai bên là hai câu đối, chính điện thờ Phật, bên phải thờ các tướng lĩnh nhà Trần, bên trái là cung Tam Phủ Thánh Mẫu, tất cả các tượng Phật tại đây đều được đúc bằng đồng nguyên khối, những tượng chính còn được dát vàng. 
Trước kia, chùa Long Tiên mở hội chính vào ngày 24/3 (âm lịch). Hội chùa Long Tiên kéo dài từ tháng Giêng đến hết tháng hai âm lịch hàng năm, thu hút rất nhiều khách thập phương, là nơi gửi niềm tin vào thế giới tâm linh của người dân địa phương và khách du lịch.

 
Đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn: là di tích nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa núi Bài Thơ, đã được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia ngày 31/8/1992. Đền do nhân dân xây dựng lại vào khoảng đầu thế kỷ 20 trên một nền đất cao, mặt hướng ra Vịnh Hạ Long với mục đích để tưởng nhớ công lao của Đức ông Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, con trai cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và là vị tướng tài trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của dân tộc ta. Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn đã được phục dựng và tổ chức thường xuyên hàng năm từ năm 2008. Tuy nhiên từ năm 2015, lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được tổ chức 02 năm/lần (năm chẵn). Ngày nay lễ hội đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân thành phố Hạ Long. Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn không chỉ có ý nghĩa gợi nhắc về truyền thống lịch sử - văn hóa mà còn là dịp để giáo dục nâng cao lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ về giá trị di sản văn hóa của cụm di tích lịch sử văn hóa Núi Bài Thơ.

Trung tâm Văn hóa núi Bài Thơ: Có địa thế đẹp, nằm giữa trung tâm thành phố Hạ Long. Đứng trên khuôn viên của Trung tâm, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm khung cảnh tuyệt đẹp của vịnh Hạ Long. Nơi đây là một địa điểm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng và là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ, là nơi có thể tổ chức các hoạt động trưng bày triển lãm, hội nghị, hội thảo, khen thưởng học sinh xuất sắc trong năm học. 

Bài Thơ cổ trên vách đá núi Bài Thơ: hiện nay trên vách đá núi Bài Thơ còn lưu giữ 07 bài thơ cổ được khắc trên đá, vào các thời điểm khác nhau. Bài thơ có niên đại sớm nhất là bài thơ vua Lê Thánh Tông, khắc vào năm 1468.  Bài thơ là một bản Tuyên ngôn về chủ quyền lãnh thổ của quốc gia Đại Việt, đồng thời là ý chí quyết tâm xây dựng một đất nước hoà bình, cường thịnh và bền vững ở thời Lê. Gần 300 năm sau, năm 1729 chúa An Đô vương Trịnh Cương  đã dẫn đoàn thuỷ quân qua đây và viết bài thơ Hoạ, khắc trên vách đá, cách bài thơ Xướng của vua Lê khoảng gần 30 mét. Bài thơ được chúa Trịnh Cương viết vô cùng thoải mái và phóng túng, với ý nghĩa không chỉ nói lên ý thức bảo vệ và xây dựng đất nước mà còn nói lên tinh thần tự hào dân tộc. Đến thời Nguyễn, thuộc thời đại Quang Trung,  Nguyễn Cẩn nguyên là Tuần phủ Quảng Yên hồi đầu thế kỷ 20, một nhà thơ với bút hiệu Hương Khuê. Ông đã khắc trên vách đá núi Bài Thơ hai bài thơ “Đề núi Truyền Đăng” và “Trùng đề Truyền Đăng sơn”, nay chỉ thấy bài thứ 2, với nghệ thuật làm thơ rất độc đáo, biểu lộ tình cảm và thái độ trước thời thế , đó là thái độ phù Lê diệt Trịnh. 
Ngoài 03 bài thơ của vua Lê Thánh Tông, chúa Trịnh Cương, Nguyễn Cẩn trên vách đá còn có 04 bài thơ khác của những tao nhân mặc khách đã đề trên núi Bài Thơ. 

Nhà thờ Hòn Gai: tọa lạc trên Núi Đạo, phường Bạch Đằng, Thành phố Hạ Long, với tổng diện tích 0,3 ha. Nhà thờ Hòn Gai lần đầu tiên được xây dựng năm 1933, năm 1967 nhà thờ bị máy bay Mỹ thả bom san bằng.Đến năm 1998, giáo xứ Hòn Gai xây lại ngôi nhà thờ mới khang trang và bề thế. Nhà thờ được xây dựng trên một ngọn đồi cao, theo kiểu Roman. Đây là nhà thờ lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, đến đây du khách không chỉ biết thêm về những nét kiến trúc tôn giáo độc đáo mà còn được tìm hiểu về tập quán lễ giáo, tín ngưỡng của giáo dân thành phố Hạ Long.

Công viên Hoa Hạ Long: nằm ngay khu trung tâm thành phố Hạ Long, thuộc phường Bạch Đằng, với tổng diện tích 14.5 ha. Công viên hoa Hạ Long được xây dựng trên cơ sở nâng cấp, mở rộng Công viên Hạ Long để trở thành công viên hoa đẹp, hiện đại và khác biệt giữa lòng thành phố Hạ Long. Theo thiết kế, công viên hoa Hạ Long gồm 8 khu chức năng chính, đó là: khu đặt tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu; khu trung tâm trưng bày sinh vật cảnh, triển lãm hoa nghệ thuật và dịch vụ hỗn hợp; khu quảng trường hoa trung tâm; khu quảng trường Long - Phụng; khu thể dục thể thao, vui chơi giải trí ngoài trời; khu quảng trường hoa nghệ thuật; khu quảng trường hoa - nước và gió... Xen kẽ với các khu chức năng chính là các tuyến đường đi bộ trên cao, hệ thống mái che với kiểu cách độc đáo, hiện đại. Công viên hoa Hạ Long có kiến trúc độc đáo, hấp dẫn, là một sản phẩm du lịch đặc sắc của thành phố Hạ Long  nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức các giá trị văn hoá, tinh thần ngày càng cao của người dân và du khách.

Bảo tàng, thư viện Quảng Ninh, Quảng trường 30/10: Đây là một trong những công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2013), đồng thời đạt giải Công trình năm 2013. Cụm công trình này được thiết kế bởi kiến trúc sư người Tây Ban Nha Salvador Perez Arroyo, lấy ý tưởng từ hình tượng than đá - loại khoáng sản đặc trưng của Quảng Ninh. Công trình có thiết kế độc đáo được chia làm 3 khối nhà, được kết nối với nhau bằng hệ thống đường cầu trên cao. Trong 3 khối nhà chính gồm có: khối nhà thư viện, khối nhà bảo tàng, khu vực hội thảo và trưng bày. Đặc biệt, tòa nhà được lắp 14.000m² kính bán cường lực có khả năng chống tự vỡ do biến đổi nhiệt. Hiện nay, đến với thành phố Hạ Long du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay, những công công trình vui chơi, văn hóa, thể thao của thành phố, Cung quy hoạch và hội chợ triển lãm tỉnh (Cột 3, phường Hồng Hải) kết hợp với Bảo tàng – Thư viện Quảng Ninh, Quảng trường 30/10 là công trình điểm nhấn về kiến trúc độc đáo có một không hai, là điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến thành phố biển Hạ Long. 
 

10/10 1083 bài đánh giá
messenger icon
Các tuyến tham quan