Điều kiện tự nhiên

Đăng lúc 09:59:58 Ngày 04/09/2020 | Lượt xem 10043 | Cỡ chữ

Địa hình
     Vịnh Hạ Long là dạng địa hình đảo xen lẫn các trũng biển, các vùng bãi triều có sú vẹt mọc và các đảo đá vôi vách dựng đứng rất tương phản nhau. Các đảo đá chủ yếu là đảo đá vôi (trên 90%), có độ cao khác nhau (từ 50 đến 200 m). Ngoài ra, vịnh Hạ Long có một số đảo đất, có người, động vật sinh sống, có thảm thực vật trù phú. Địa hình đáy biển vịnh Hạ Long tương đối bằng phẳng với độ sâu trung bình 5 -10m,  một số luồng lạch có độ sâu trung bình từ 15 - 29m.
 
 
Khí hậu
Vịnh Hạ Long có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, chia làm 2 mùa chính (mùa Đông: từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ trung bình 15oC - 20oC; mùa Hè: từ tháng 5 đến tháng 9, nhiệt độ trung bình 26oC - 27oC) và 2 mùa chuyển tiếp (mùa Xuân vào tháng 4, mùa Thu vào tháng 10); nhiệt độ trung bình năm 18oC - 19oC; lượng mưa trung bình năm từ 2.000 mm - 2.200 mm.
 
 

Thủy văn
     Thủy văn sông: các sông có ảnh hưởng đến vịnh Hạ Long là sông Trới, sông Mỹ, sông Mãn, sông Diễn Vọng, sông Vũ Oai và một phần sông Lạch Huyện. Các sông này đổ vào vịnh Hạ Long qua Cửa Lục. 
Hải văn: 
     + Sóng: Do sự che chắn của nhiều đảo nên độ sóng trung bình của vịnh Hạ Long không lớn, trung bình khoảng 0,5 m (khi có bão lên tới 2,5 m), hướng thịnh hành về mùa Đông là Bắc, Đông Bắc; về mùa Hè là Nam.
    + Dòng chảy: Có tốc độ trung bình 0,3 - 0,5 m/s có hướng Bắc, Tây Bắc khi triều dâng và hướng Nam khi triều rút.
    + Thủy triều: Chế độ thủy triều ở vịnh Hạ Long là nhật triều đều điển hình trong một ngày có một lần nước lớn, một lần nước ròng. Biên độ triều từ 1,9 m - 4,6 m. Triều thấp vào các tháng 3, 4,8 và 9, triều cao vào các tháng 1, 6 ,7 và 12.

     Độ mặn của nước biển: Mùa mưa đạt  21 - 22 ‰, mùa khô đạt 32 - 33 ‰. 
 

7/10 3347 bài đánh giá
messenger icon
Các tuyến tham quan