Tin tức
Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật Thủ tục hành chính công Invest Quảng Ninh

Tìm phương án xử lý sạt trượt hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long 

Đăng lúc 14:26:55 Ngày 02/08/2023 | Lượt xem 568 | Cỡ chữ


Hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) có cấu tạo đơn nghiêng với nhiều hệ thống khe nứt tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở hoặc bị biến dạng. Các nhà khoa học vừa công bố nhiều giải pháp xử lý.
Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho báo cáo Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).
Theo ông Hồ Tiến Chung, Phó trưởng Phòng Kiến tạo và Địa mạo - Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (chủ nhiệm nghiên cứu), vịnh Hạ Long thuộc bờ tây Vịnh Bắc Bộ có tổng diện tích khoảng 1.553km2. Khu vực này được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá đặc biệt là tài nguyên địa chất - địa mạo rất thuận lợi cho phát triển du lịch.
Các quá trình địa chất - địa động lực hiện đại vẫn đang tiếp tục diễn ra, chịu nhiều biến động mạnh trên phạm vi toàn cầu.
 


Ông Hồ Tiến Chung (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) - chủ nhiệm nghiên cứu (Ảnh: Mai Đan).

 

Hòn Trống Mái gồm 2 đảo đá nhỏ có hình thù như một đôi gà trống mái cao khoảng 13,9m, chân đảo thót lại tạo tư thế chênh vênh. Trải qua quá trình hoạt động địa chất, kiến tạo và sự tác động của nước biển, hòn Trống Mái có cấu tạo đơn nghiêng với nhiều hệ thống khe nứt tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt, lở hoặc bị biến dạng làm mất đi hình ảnh biểu tượng của Di sản Thế giới Vịnh Hạ Long.
Vì thế, ông Chung nhấn mạnh việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng, làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng phục vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Kết quả điều tra, đo vẽ chi tiết khu vực hòn Trống Mái kết hợp với phân tích ảnh vệ tinh, xây dựng mô hình 3D bằng sử dụng thiết bị bay không người lái đã xác định trên khu vực hòn Trống Mái tồn tại 40 khối có nguy cơ trượt lở, đổ lở. Trong đó, hòn Trống có 11 khối và hòn Mái tồn tại 29 khối.
Phân tích mô hình các kiểu trượt cho thấy có tổng cộng 13 khối có nguy cơ trượt phẳng (hòn Trống có 6 khối và hòn Mái có 7 khối) và 23 khối có nguy cơ đổ lở, lật đổ (hòn Trống có 2 và hòn Mái có 21 khối).
Kết quả áp dụng phương pháp tính toán ổn định sườn dốc đá và mô hình hóa 3D cho thấy có 28 khối có nguy cơ cao (hòn Trống có 7 khối và hòn Mái có 21 khối), 2 khối có nguy cơ trung bình ở hòn Trống và 10 khối có nguy cơ thấp (2 khối ở hòn Trống và 8 khối ở hòn Mái).
 


Hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long là một địa điểm du lịch nổi tiếng (Ảnh: Vinpearl Hạ Long).


TS. Trần Điệp Anh (nghiên cứu viên Phòng Kiến tạo và Địa mạo) thông tin, các kết quả thu được khá chi tiết, đóng vai trò quan trọng cho công tác thiết kế các giải pháp tiền khả thi để giảm thiểu nguy cơ trượt lở, đổ lở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định hòn Trống Mái.
TS. Nguyễn Văn Tuấn (Phòng Kiến tạo và Địa mạo) đánh giá, mỗi vị trí khác nhau trên hòn Trống Mái chịu ảnh hưởng tổng hòa của nhiều yếu tố tác động và có độ ăn mòn khác nhau.
Do đó, với mỗi vị trí có nguy cơ đổ lở, trượt lở cần phải đánh giá tích hợp ảnh hưởng của nhiều yếu tố để từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái.
Tại hội thảo, ông Hồ Sỹ Mão (nghiên cứu viên Viện Khoa học Thủy Lợi) đề xuất các giải pháp theo từng đối tượng cụ thể. Trong đó có thể dùng các neo bảo vệ các khối trượt, bơm trám xi măng các khe nứt, xây tường bê tông chịu lực hỗ trợ gia cố các vách hang và hệ thống đê bao vòng quanh chân cụm đảo nhằm giúp xử lý độ ổn định chân đế hòn Trống Mái…
Trong khi đó, từ thực tế nghiên cứu, bảo tồn các di sản thiên nhiên trên thới giới, TS. Rainder Kumar và TS. LLoyd Warren (chuyên gia Viện Địa Kỹ Thuật Na Uy) đề xuất chỉ nên tác động nhỏ nhất có thể, không làm thay đổi cảnh quan nhưng vẫn phải đảm bảo độ ổn định theo thời gian của hòn Trống Mái.
Kết thúc hội thảo, ông Quách Đức Tín, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, khẳng định bên cạnh các giải pháp xã hội cần nghiên cứu khả thi ở biện pháp công trình để bảo tồn hòn Trống Mái.
Ông Tín yêu cầu tập thể tác giả tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp từ phía các nhà khoa học và nhà quản lý để sớm hoàn thiện báo cáo tổng kết.
 

 

Hương Quỳnh (Theo báo Dân Trí Online)

7/10 189 bài đánh giá
messenger icon
Các tuyến tham quan