Tin tức
Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật Thủ tục hành chính công Invest Quảng Ninh

Núi Bài Thơ - ngọn núi “ghi” lịch sử bên bờ Di sản

Đăng lúc 14:03:10 Ngày 14/10/2021 | Lượt xem 1045 | Cỡ chữ


Là ngọn núi cao 200m nằm ở Trung tâm thành phố Hạ Long, núi Bài Thơ như một cánh buồm lớn, hướng về phía biển Hạ Long. Đối với du khách, núi Bài Thơ là một danh lam thắng cảnh tuyệt vời bên bờ Di sản. Nhưng đối với người dân Hạ Long, Quảng Ninh, Núi Bài Thơ còn là một di tích chứng kiến bao sự kiện lịch sử, chiến công và thăng trầm trong cuộc sống bình dị của con người đất mỏ. 
Từ các triều đại phong kiến xưa, núi Bài Thơ là một trạm đồn trú quan trọng của dải đất biên thùy. Những người lính ở đây có nhiệm vụ đêm đêm treo ngọn đèn lồng trên đỉnh núi báo hiệu sự bình yên. Những khi có biến, người lính đốt đống lửa to (bằng phân chó Sói trộn với củi khô) để những cột khói bốc cao lên báo tin cho các trạm gác tiếp theo và các vùng lân cận. Bởi thế trong lịch sử núi có tên gọi là núi Rọi Đèn, tên chữ là Truyền Đăng. 
Năm 1468, Vua Lê Thánh Tông trong chuyến tuần du vùng Đông Bắc cảm kích trước vẻ đẹp của mây trời non nước Hạ Long đã ứng tác một bài thơ và cho đề vào vách núi. Từ đó núi có tên là núi Đề Thơ sau này đọc là núi Bài Thơ. Hiện nay trên vách đá núi Bài Thơ còn lưu giữ 7 bài thơ cổ được khắc trên đá. Các bài thơ này đều được ghi khắc vào các thời điểm khác nhau bởi ngòi bút tài hoa của các yếu nhân xưa như vua Lê Thánh Tông, chúa Trịnh Cương…, có nội dung ca ngợi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của vùng biển Hạ Long, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc…Những bài thơ khắc trên vách núi là những di tích văn học ngoài trời rất có giá trị, khiến núi Bài Thơ không chỉ đẹp ở cảnh quan thiên nhiên mà còn mang dấu ấn lịch sử đậm nét. 
Núi Bài Thơ cũng chứng kiến những thời khắc lịch sử quan trọng của quân và dân vùng mỏ. Sáng ngày 1/5/1930, người dân Hòn Gai được chứng kiến lá cờ đỏ búa liềm lần đầu tiên tung bay trên đỉnh núi Bài Thơ, báo hiệu chiến thắng của giai cấp công nhân trước ách thống trị của thực dân Pháp tại khu mỏ. Từ đó, lá cờ biểu trưng cho chiến thắng vẫn tung bay trên đỉnh núi Bài Thơ. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, trạm gác phòng không, Trung tâm Điện chính (thuộc Bưu điện Quảng Ninh), hệ thống loa truyền thanh truyền trực tiếp mệnh lệnh chiến đấu của Hội đồng phòng không tỉnh Quảng Ninh được di chuyển về núi Bài Thơ. Bên cạnh đó, một số hang động trong núi cũng được sử dụng để làm nơi sản xuất, cư trú, trạm cấp cứu, cửa hàng, lớp học và trụ sở của nhiều cơ quan, xí nghiệp trong thời kỳ đế quốc Mỹ đánh phá. Trong những thời kỳ vừa lao động vừa đánh giặc đó, núi Bài Thơ cũng là nơi có nhiều chiến công, tấm gương lao động quên mình vì mục tiêu độc lập, tự do của những người con khu mỏ.
Ngày nay, núi Bài Thơ đang chứng kiến cuộc sống bình yên cùng những đổi thay của thành phố Di sản. Dưới chân núi Bài Thơ là các di tích lịch sử văn hóa như Chùa Long Tiên, Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, Trung tâm văn hóa núi Bài Thơ… là những nơi người dân Hạ Long thường hay viếng thăm vào mỗi dịp đặc biệt như năm mới hay lễ hội…
Đến thăm núi Bài Thơ, chắc chắn, mỗi chúng ta sẽ không chỉ thấy đây là một ngọn núi có cảnh quan hùng vĩ mà còn cảm nhận được “hồn” của một vùng đất có tâm hồn, có buồn vui, hạnh phúc…

 

 

Nguyễn Thị Tâm
 

9/10 348 bài đánh giá
messenger icon
Các tuyến tham quan