Đăng lúc 09:23:24 Ngày 25/01/2022 | Lượt xem 1412 | Cỡ chữ
Tục dựng cây Nêu đã có từ rất lâu đời, ăn sâu tâm trí nhiều người dân miền Bắc Việt Nam, nó được xem như biểu tượng của ngày Tết Nguyên Đán. Cây Nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp và hạ vào ngày Khai Hạ (ngày 7 tháng Giêng âm lịch). Cây nêu chính là thân cây tre, cây trúc được người dân Việt Nam đem dựng trước sân nhà, trên ngọn cây có treo cờ hội vuông, đèn lồng tạo màu sắc, lá phướn mang câu chữ với ý nghĩa chúc mừng năm mới cùng những vật dụng trang trí tạo âm thanh như chuông...Cây nêu được dựng lên với ý nghĩa thiêng liêng, cầu mong tránh những điều xui xẻo và mang lại một năm mới may mắn, bình an cho gia chủ mỗi dịp Tết Nguyên Đán.
Khác với cách thức và ý nghĩa việc dựng cây Nêu của người dân làng quê miền Bắc, cây nêu của ngư dân làng chài trên vịnh Hạ Long có nét riêng biệt, độc đáo riêng. Trước đây, khi còn sinh sống trên vịnh Hạ Long, do cuộc sống lênh đênh trên biển nay đây mai đó, với tín ngưỡng thờ cúng, nhớ về tổ tiên cội nguồn, vào mỗi dịp Tết đến, xuân về (thường là vào ngày 23 tháng chạp, ngày ông Công, ông Táo chầu trời), các ngư dân làng chài Hạ Long có tục dựng cây nêu. Cây nêu chính là cây Giếng Nguộc hay còn có tên gọi khác là cây Phất Dụ Núi, một loại cây mọc phổ biến trên các núi đáo đá trên vịnh Hạ Long, được dựng trước mũi thuyền, treo trên cột buồm hoặc trước cửa nhà bè để làm dấu cho tổ tiên biết mà theo về sum họp ăn tết cùng gia đình con cháu.
Ngày nay, ngư dân Hạ Long đã được chuyển lên đất liền sinh sống, tục dựng cây nêu bằng cây Phất dụ núi diễn ra trên thuyền hay trên nhà bè không còn phổ biến. Tuy nhiên, trồng cây Nêu trước mỗi dịp tết Nguyên Đán vẫn là phong tục tập quán độc đáo, ý nghĩa của cộng đồng ngư dân Hạ Long.
Nguyễn Thị Hằng
Các tin cũ hơn:
Các tin mới hơn: