Tin tức
Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật Thủ tục hành chính công Invest Quảng Ninh

Lễ hội đền bà Men

Đăng lúc 16:13:20 Ngày 11/02/2023 | Lượt xem 568 | Cỡ chữ

     Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, nhằm tiết tháng Giêng, ngư dân vạn chài, những người làm công việc trên sông nước vùng Hạ Long, Cát Bà lại nô nức đi lễ đền bà Men. Ấy là ngày 19, 20 tháng Giêng âm lịch.

     Đền bà Men - còn có tên chữ là Đức Chúa Bà, là một ngôi đền nhỏ thờ bà Men - nữ thần chủ của đền. Theo lưu truyền của ngư dân trong vùng vịnh Hạ Long và Cát Bà thì xưa kia, vào một ngày cuối đông, có một nhóm 6 người phụ nữ cùng đi trên một chiếc thuyền, đang khi trời yên, mặt biển bỗng nổi lên một cơn sóng lớn cuốn cả thuyền và người xuống dòng nước biển. Những người phụ nữ này được cho là “thác” vào giờ thiêng, xác các bà trôi dạt ra vùng biển Hạ Long, Cát Bà và được ngư dân mai táng, lập miếu thờ ở 6 nơi. Bà Men là một trong số đó, xác bà trôi vào vụng nước đảo Đầu Bê, vịnh Hạ Long và được lập miếu thờ và suy tôn là nữ thần linh ứng bảo hộ cho ngư dân đi biển.

    Đền bà Men nằm khá xa với đất liền, ước chừng khoảng hơn 30km từ bến Tuần Châu. Đền nằm trong khu vực giáp ranh giữa di sản vịnh Hạ Long với bên kia là huyện Cát Bà (Hải Phòng).
Không như các lễ hội khác, từ ngày chính hội, lễ hội có thể kéo dài tới hàng tháng, lễ hội đền Bà Men chỉ kéo dài trong hai ngày 19 và 20 tháng Giêng. 
     Ngày 19 chủ yếu tập trong phần lễ.  Lễ được các đoàn chuẩn bị công phu, thường là bánh kẹo, hoa quả, xôi gà… nhưng cũng có khi là bánh dày, thủ lợn… Và đặc biệt, có những mâm lễ mang đậm chất của người vùng biển với các sản vật như tôm, cua, cá, mực, bề bề… Dù lễ to hay nhỏ nhưng những người tới lễ đều thành tâm cung kính cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang. 

   

Các mâm lễ được chuẩn bị lại trước khi dâng vào đền

     Cũng trong ngày này, có những đoàn còn chuẩn bị lễ tế tại đền. Bằng tấm lòng thành kính, lễ tế diễn ra trang trọng ngay trước sân đền. 

     Ngày 20, ngày chính hội được mong đợi bởi có nhiều trò chơi dân gian được diễn ra như kéo co, đá bóng, đua thuyền. 

Phần thi kéo co cũng khá hấp dẫn

     Và đua thuyền rồng luôn là môn không thể thiếu. Năm nay, có 2 đội tham gia đua thuyền rồng đến từ Cát Bà: đội Cao Hùng và đội Cao Minh, gồm những trai tráng trẻ khoẻ cùng tham gia. 2 chiếc thuyền rồng đậu sát mép nước, các đội tập trung trên bãi cát trước cửa đền. Khi tiếng trống lệnh vang lên, hai chiếc thuyền rồng lao vút về phía trước trong tiếng cổ vũ reo hò của những người xem hội. Dọc đường đua, các tàu đánh cá đậu san sát hai bên tạo thành hành lang cho đường đua. Người xem hào hứng, người cầm muôi, người cầm mâm… có gì gõ nấy. Tất cả tạo nên một không khí náo nhiệt, thúc giục 2 đội đua.

     Trên đường đua, trai tráng hai đội gồng mình, gắng sức khua thật mạnh, thật nhanh đưa mái chèo đẩy thuyền rồng vun vút về phía trước với tốc độ nhanh nhất. 

     Tiếng hò la khắp bốn bề. Cả người cổ vũ và người thi đấu dường như đều không biết mệt mỏi. Đội Cao Hùng đã về đích trước, đội Cao Minh bám ngay sát liền lúc. Tiếng reo hò vỡ oà. Có những cổ động viên cầm cờ Tổ quốc chạy dọc mép biển làm nước bắn tung toé. Sương mù giăng. Mưa bay lất phất. Nước biển hay mồ hôi làm áo của người đua thuyền ướt đẫm. Thắng thua đều bắt tay nhau vui vẻ, hẹn mùa lễ hội năm sau. 

Hai đội Cao Hùng và Cao Minh chụp ảnh lưu niệm trước cửa đền

     Hội tan. Người dự hội chia tay trở về muôn nẻo. Dường như dư âm ngày hội đầy hứng khởi và niềm vui theo chân người tan hội bước vào một năm sức khoẻ, bình an, xuôi chèo mát mát, thuyền to sóng nhỏ với những mẻ lưới nặng trĩu tôm cá. 
     Hội đã tan rồi, nhưng trong hành trình tham quan vịnh Hạ Long tuyến số 3, du khách vẫn có thể vẫn ghé thăm đền bà Men bất cứ lúc nào./.

 

Hoàng Hương

10/10 189 bài đánh giá
messenger icon
Các tuyến tham quan