Đăng lúc 13:32:51 Ngày 03/12/2020 | Lượt xem 2149 | Cỡ chữ
Phạm Đình Huỳnh - Phó Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long
(Bài viết đã được đăng tại Bản tin sinh hoạt Chi bộ của Tỉnh ủy Quảng Ninh, số ra tháng 12/2020)
Vịnh Hạ Long là Di tích Quốc gia đặc biệt của Việt Nam, hai lần được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) tôn vinh, ghi vào Danh mục Di sản thế giới của nhân loại bởi những giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan thiên nhiên và địa chất địa mạo; Vịnh Hạ Long còn là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, vì vậy trách nhiệm của tỉnh Quảng Ninh đối với quốc gia và cộng đồng quốc tế trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy bền vững khu Di sản thế giới là rất lớn. Có thể nói, việc UNESCO ghi danh vịnh Hạ Long đã đem lại cơ hội để Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, chọn lọc, bổ sung những yếu tố thích hợp làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc trên con đường hội nhập và phát triển; Những giá trị của vịnh Hạ Long là nguồn tài nguyên quý giá góp phần xây dựng và phát triển một nền “công nghiệp không khói” chuyên nghiệp, hiện đại, toàn diện mang lợi ích cho đất nước và cho tỉnh Quảng Ninh.
Ông Phạm Đình Huỳnh - Phó Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long phát biểu tại hội thảo xây dựng Kế hoạch quản lý Di sản TNTG vịnh Hạ Long
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực không ngừng để quản lý và bảo vệ danh hiệu Di sản thế giới của vịnh Hạ Long trước những đánh giá hàng năm khá khắt khe của Ủy ban Di sản thế giới thông qua báo cáo giám sát của các Cơ quan tư vấn về hiện trạng bảo tồn Di sản. Từ hệ thống văn bản nội luật hóa các cam kết của Điều ước, Công ước quốc tế, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các quy chế, quy định để quản lý tổng hợp và bảo vệ hiệu quả, chặt chẽ các tài nguyên Di sản. Cùng với đó, theo quy định tại Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới 1972 , Tỉnh đã ban hành Kế hoạch quản lý Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long giai đoạn 2011-2015 và Kế hoạch quản lý vịnh Hạ Long giai đoạn 2017-2021 nhằm đánh giá các nguy cơ tác động đến các giá trị Di sản, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để bảo vệ di sản trước những yếu tố nảy sinh từ quá trình phát triển kinh tế xã hội, từ hoạt động du lịch, từ tác động của biến đổi khí hậu đến các giá trị di sản, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ngành, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan để thực hiện các biện pháp quản lý và phát huy bền vững các giá trị của vịnh Hạ Long. Các nội dung của Kế hoạch đều được tham vấn ý kiến rộng rãi của tất cả các bên liên quan, từ các cấp chính quyền, các Sở, ban, ngành, địa phương tới cộng đồng trước khi ban hành. Định kỳ 5 năm, Kế hoạch quản lý được phê duyệt lại và thông qua nhiệm vụ, giải pháp cho 5 năm tiếp theo trên cơ sở các mục tiêu và chiến lược lâu dài đã được xác định trong Kế hoạch quản lý. Quá trình thực hiện kế hoạch còn có chương trình giám sát, đánh giá các mục tiêu, giải pháp để có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định, việc đề ra đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý và bảo vệ vịnh Hạ Long đề ra trong Kế hoạch quản lý đã trực tiếp giải quyết hiệu quả các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng sự nghiệp quản lý Di sản vịnh Hạ Long trong bối cảnh mới. Nhờ những thành tựu của công tác bảo tồn mà Di sản vịnh Hạ Long đã được quảng bá hình ảnh rộng rãi trên thế giới, tạo sức hút đối với du khách thập phương và góp phần làm cho ngành du lịch dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh có những bước phát triển nhanh chóng, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, di sản vịnh Hạ Long tiếp tục là điểm đến yêu thích được du khách bầu chọn và lựa chọn.
GS. Richard Mackay, chuyên gia tư vấn quốc tế về đánh giá hiệu quả quản lý và xây dựng Kế hoạch quản lý Di sản
Kế thừa kết quả thực hiện Kế hoạch quản lý Di sản vịnh Hạ Long giai đoạn 2017 - 2021, trên cơ sở quy định tại Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, sự tư vấn về chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hóa, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực quản lý Di sản của Việt Nam và UNESCO, cùng với kết quả đánh giá hiệu quả quản lý Di sản vịnh Hạ Long bằng Bộ công cụ "Nâng cao giá trị Di sản của chúng ta" do UNESCO/IUCN ban hành và thực tế của công tác quản lý, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh Quảng Ninh xây dựng Kế hoạch quản lý Di sản TNTG vịnh Hạ Long giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2040, trong đó đặt ra 01 mục tiêu chung, 03 mục tiêu và 19 chỉ tiêu cụ thể với 10 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực (1) Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản; (2) Chỉ đạo điều hành và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, khách du lịch trong bảo vệ và phát huy Di sản; (3) Tuyên truyền, quảng bá, giáo dục cộng đồng; (4) Kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trên vịnh Hạ Long; (5) Ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; (6) Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác vùng quốc gia và quốc tế; (7) Ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý, bảo vệ và phát huy Di sản; (8) Phát triển nguồn nhân lực về bảo vệ Di sản. Kế hoạch cũng đã dự báo được các nguy cơ tác động đến Di sản TNTG vịnh Hạ Long, xây dựng được các chỉ tiêu, chỉ số để giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn và đánh giá hiệu quả quản lý Di sản, đồng thời được tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh, doanh nghiệp, cộng đồng và xin ý kiến thẩm định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch theo quy định trước khi ban hành.
Ông Michael Croft - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tư vấn về nội dung Kế hoạch quản lý Di sản vịnh Hạ Long giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2040
Quá trình triển khai kế hoạch, tỉnh Quảng Ninh và Ban Quản lý vịnh Hạ Long mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ, ban ngành trung ương, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban ngành, địa phương, cộng đồng để các mục tiêu về quản lý, bảo tồn và phát huy Di sản thế giới vịnh Hạ Long giai đoạn 2020-2025 đạt được những thành công và hiệu quả nhất định, các giá trị nổi bật toàn cầu của của vịnh Hạ Long được bảo vệ nguyên trạng theo cam kết với quốc tế và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Các tin cũ hơn:
Các tin mới hơn: