Đăng lúc 16:22:35 Ngày 02/12/2023 | Lượt xem 475 | Cỡ chữ
Tóm tắt: Câu lạc bộ các Di sản thế giới tại Việt Nam được thành lập năm 2013 với mục tiêu góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, đẩy mạnh liên kết tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các di sản thế giới tại Việt Nam ở trong nước và quốc tế, từ đó tăng cường các mối quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các di sản khác trên thế giới nhằm phát huy bền vững các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, trao truyền cho các thế hệ mai sau. Sau 10 năm thành lập, đến nay Câu lạc bộ đã có 09 thành viên gồm: Ban Quản lý vịnh Hạ Long; Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An; Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ; Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế; Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An; Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn và Ban Quản lý Di sản thiên nhiên Quần đảo Cát Bà.
Đại diện Lãnh đạo các Ban/Trung tâm Quản lý di sản thế giới tại Việt Nam
Ngày 30/11/2023, tại huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, Câu lạc bộ Di sản thế giới tại Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023. Trên 90 đại biểu đại diện cho Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia; Hội Di sản Văn hoá Việt Nam; Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản và 09 Ban/Trung tâm Quản lý di sản thế giới tại Việt Nam đã tham dự Hội nghị. Đoàn đại biểu của Ban Quản lý vịnh Hạ Long do đồng chí Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng Ban làm Trưởng đoàn tham dự với vai trò Phó Chủ tịch Câu lạc bộ năm 2023 và cùng với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - Chủ tịch Câu lạc bộ năm 2023 đồng chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị
Hội nghị tổng kết được tổ chức thường niên theo Quy chế hoạt động của Câu lạc bộ Di sản thế giới tại Việt Nam. Theo Báo cáo tổng kết do Chủ tịch Câu lạc bộ trình bày, năm 2023 Câu lạc bộ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Cục Di sản Văn hóa, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và sự phối hợp, hỗ trợ của Văn phòng UNESCO Hà Nội. Các thành viên của Câu lạc bộ đã tích cực triển khai hiệu quả các hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, một số kết quả tiêu biểu như (1) Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hoàn thành tu bổ hơn 10 công trình di tích; hoàn thành Nhiệm vụ lập Quy hoạch Bảo tồn và phát huy Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đón tiếp 2,2 triệu lượt khách tham quan, thu phí tham quan ước đạt 330 tỷ đồng. (2) Ban Quản lý vịnh Hạ Long triển khai lập Nhiệm vụ lập Quy hoạch vịnh Hạ Long giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp với các đơn vị thuộc thành phố Hải Phòng tham mưu xây dựng và bảo vệ thành công hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh mở rộng di sản thế giới vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà; đón tiếp 2,5 triệu lượt khách tham quan, thu phí ước đạt 720 tỷ đồng. (3) Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế làm cơ sở đề xuất thực hiện dự án Tái hiện không gian và chính Điện Kính Thiên; đón tiếp 490 ngàn lượt khách, thu phí tham quan 12,7 tỷ đồng; (4) Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch Danh thắng Tràng An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đón tiếp 5,86 triệu lượt khách tham quan toàn tỉnh, doanh thu đạt trên 5.500 tỷ đồng. (5) Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ hoàn thành Kế hoạch Quản lý di sản giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2045; đón tiếp trên 183 ngàn lượt khách, thu phí đạt 1.3 tỷ đồng. (6) Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng hoàn thành Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021 - 2030; tổ chức thành công kỷ niệm 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO ghi danh là Di sản thế giới; đón tiếp trên 650 ngàn lượt khách, thu phí đạt 260 tỷ đồng; (7) Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã hoàn thành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản; đón tiếp trên 1,6 triệu lượt khách, thu phí đạt 190 tỷ đồng; (8) Ban quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn hoàn thành Nhiệm vụ lập quy hoạch Khu đền tháp Mỹ Sơn đến năm 2030, tầm nhìn 2050; đón tiếp trên 347 ngàn lượt khách, thu phí trên 49 tỷ đồng. Phương hướng hoạt động năm 2024, Câu lạc bộ sẽ tập trung vào các hoạt động kỷ niệm 30 năm vịnh Hạ Long và kỷ niệm 10 năm Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới; Tổ chức tập huấn đào tạo, nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ, số hóa tư liệu và quáng bá di sản thế giới cho các thành viên Câu lạc bộ; Tham dự kỳ hợp lần thứ 46 của Ủy ban di sản thế giới; Tiếp tục tham gia ý kiến sửa đổi Luật Di sản Văn hoá; Tăng cường kết nối với các tổ chức quốc tế với phương châm: “kết nối - tư vấn- tập huấn”; Phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội để tiếp cận các dự án, Quỹ Di sản thế giới để tài trợ cho hoạt động bảo tồn di sản; Tăng cường trao đổi, chia sẻ về chuyển đổi số để quản lý, quản trị di sản thế giới…Tại Hội nghị, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã bàn giao cờ luân lưu Chủ tịch Câu lạc bộ năm 2024 cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long và bầu Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ năm 2024.
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Chủ tịch Câu lạc bộ năm 2023 bàn giao cờ luân lưu Chủ tịch năm 2024 cho Lãnh đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long
Cũng nhân dịp này, Câu lạc bộ đã tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập và chào mừng Ban Quản lý Di sản thiên nhiên Quần đảo Cát Bà là thành viên thứ 9 gia nhập Câu lạc bộ.
Đại biểu chúc mừng Ban Quản lý Di sản thiên nhiên Quần đảo Cát Bà gia nhập Câu lạc bộ
Buổi chiều cùng ngày, Ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Di sản thiên nhiên Quần đảo Cát Bà và các đơn vị liên quan thuộc thành phố Hải Phòng để thống nhất các nội dung, nhiệm vụ phối hợp tham mưu cho tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng triển khai hiệu quả Quyết định của Uỷ ban Di sản thế giới tại kỳ họp lần thứ 45 về công tác bảo tồn Di sản thế giới vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Quang cảnh buổi làm việc
Thu Huyền
Các tin cũ hơn:
Các tin mới hơn: