Đăng lúc 09:20:02 Ngày 26/07/2021 | Lượt xem 2881 | Cỡ chữ
“Trên mây sa
Dưới hòn Gà Chọi
Anh hát câu này anh gọi mình ra
Những lời mình hát hôm qua
Đêm nay hát nữa mau ra hát cùng”
Giữa đêm trăng thanh vắng trên vịnh Hạ Long bất chợt vang lên câu hát giao duyên dường như khiến cho lòng dịu lại, nhẹ nhàng mà thả hồn vào từng câu hát. Với những bà con ngư dân từng sinh sống trên vịnh Hạ Long, hát giao duyên dường như đã trở thành hơi thở, còn với du khách đến tham quan vịnh Hạ Long, nếu đã từng nghe hát giao duyên sẽ nhớ mãi không quên.
Không ai biết chính xác hát giao duyên có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ khi những ngư dân vạn chài sinh sống trên vịnh Hạ Long, ông bà, cha mẹ đã truyền lại cho con cháu những câu hát giao duyên mộc mạc, trữ tình.
Không giống như một số loại hình dân ca khác chỉ diễn ra vào các dịp lễ hội, hát giao duyên của ngư dân trên vịnh Hạ Long hiển hiện trong cuộc sống thường nhật của người dân. Từ cuộc sống mưu sinh lênh đênh trên biển, thong dong trên thuyền, từ nhu cầu muốn kết bạn, tâm sự hay từ những sinh hoạt hàng ngày mời nhau chén nước, chén trà là nguồn gốc ra đời của những câu hát giao duyên. Hát giao duyên của ngư dân trên vịnh Hạ Long có hát đúm, hát chèo đường (hò biển) và hát đám cưới.
Hát đúm là lối hát đối đáp thể hiện tình yêu lứa đôi giữa nam và nữ. Với lời ca mộc mạc, đơn giản theo lối lục bát, ca ngợi tình yêu nam nữ, cảnh đẹp quê hương đất nước, hát đúm là phương tiện, cơ hội để nam nữ thể hiện tình cảm, gắn bó với nhau. Hát đúm có thể diễn ra ở nhiều không gian và thời gian khác nhau như lễ tết, hội hè hay trong lúc nghỉ ngơi theo các trình tự: hát chào - hát tìm - hát hỏi - hát gặp - hát giã bạn.
Hát chèo đường (hò biển) là lời hát giao lưu tìm bạn khi nghỉ ngơi, lao động hay di chuyển của những ngư dân vạn chài. Hò biển có giai điệu mềm mại, trữ tình, sâu lắng, thường bắt đầu bằng “ơ hò…” như là tín hiệu phát đi để tìm bạn. Tiếng hò cất lên như phá tan cảm giác hiu quạnh, lẻ loi nhưng cũng để thử tài đối đáp của đôi bên. Sau tiếng hát, nhiều đôi trai gái đã quen nhau, nên vợ nên chồng.
Hát đám cưới là lối hát đối đáp trong lễ cưới của ngư dân trên vịnh Hạ Long, thường diễn ra từ khi nhà trai đến đón dâu đến khi đón được dâu về. Lời hát chủ yếu là chúc mừng đôi vợ chồng trẻ, cũng là để giao lưu kết bạn giữa nhà trai và nhà gái. Hát đám cưới thường trải qua 3 giai đoạn hát đối đáp tương ứng với 3 ngõ (được chăng bằng 3 dải lụa trên thuyền nhà gái): ngõ khách - ngõ cheo - ngõ hoa. Nhà gái ra vế đối, nếu nhà trai đối được thì dải lụa được mở ra. Khi nhà trai vượt qua được các thử thách là có thể đón được dâu về.
Hát giao duyên là lối hát được truyền miệng từ các thế hệ này qua thế hệ khác, bên cạnh đó, ngày nay người dân đã được di dời lên đất liền sinh sống nên các nét văn hóa trong đó có hát giao duyên cũng dần bị mai một. Để giữ gìn nét văn hóa độc đáo này, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã triển khai một số giải pháp để bảo tồn và phát huy tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo trên vịnh Hạ Long: mời nghệ nhân dân gian truyền dạy ca từ, vần điệu, lối hát giao duyên truyền thống cho thế hệ trẻ ngư dân làng chài, hướng dẫn viên của Ban, các doanh nghiệp chèo đò trên vịnh Hạ Long; thành lập Đội hát giao duyên trên vịnh Hạ Long.
Nếu bạn muốn một lần được thưởng thức những làn điệu giao duyên mềm mại, trữ tình hay tìm hiểu về không gian văn hóa đặc trưng của ngư dân trên vịnh Hạ Long, hãy đến với Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn thuộc tuyến du lịch số 3 trên vịnh Hạ Long. Chắc chắn những lời ca mộc mạc, giản dị do con em của ngư dân trình diễn trong thực cảnh vịnh Hạ Long sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm khó quên.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Quản lý vịnh Hạ Long (2010), Làng chài Cửa Vạn một nét văn hóa vịnh Hạ Long, Công ty TNHH 1TV in Quảng Ninh.
2. Cao Đức Bình - Hoàng Quốc Thái (đồng chủ biên) (2010), Di sản văn hóa làng chài vịnh Hạ Long, Cơ sở in Hải Anh.
Phạm T, Tuyết Nhung
Các tin cũ hơn:
Các tin mới hơn: