Đăng lúc 16:03:01 Ngày 23/09/2021 | Lượt xem 1283 | Cỡ chữ
Không chỉ nổi bật bởi các thành tạo thạch nhũ, hang động vịnh Hạ Long còn góp phần làm phong phú hệ sinh thái. Mặc dù có điều kiện môi trường sống khắc nghiệt, nhưng nhiều hang động trên vịnh Hạ Long là nơi cư ngụ của thế giới những loài sinh vật “ưa thích” bóng tối.
Môi trường sống trong hang động rất ổn định, các yếu tố sinh thái không biến động và đa dạng như bên ngoài hang. Trong lòng hang động nhiệt độ ít thay đổi, độ ẩm cao và không có ánh sáng. Vì thiếu ánh sáng nên trong hang chủ yếu chỉ có động vật sinh sống, hầu như không có thực vật phát triển. Những loài động vật sống trong hang không những thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt đó mà chúng còn phải sống trong một môi trường khan hiếm thức ăn. Số lượng các loài sinh vật, cũng như số lượng cá thể của mỗi loài trong hang động thường rất nhỏ nếu so với những loài sống bên ngoài hang.
Dựa vào các yếu tố môi trường ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới sự sống, quá trình sinh trưởng phát triển và thời gian chung sống của các loài sinh vật hang động, các nhà khoa học đã phân chia làm ba nhóm, đó là: Nhóm động vật sống tạm thời trong hang động, có thể tự do di chuyển ra vào hang động, như: Dơi, bướm, thạch sùng mí, chim nhạn…Nhóm động vật ưa thích hang động, sống trong bóng tối, có thể ra khỏi hang để tìm kiếm thức ăn, như: giun đất, dế hang, nhện hang và một số loài giáp xác. Nhóm động vật chỉ cư ngụ trong hang động; cả vòng đời của chúng chỉ ở trong hang động, sống cùng với bóng tối và chúng không thể sống sót nếu ra khỏi hang động như: cá hang, rệp hang, cua hang…
Hệ sinh thái trong hang động là nguồn tài nguyên quan trọng đối với giá trị đa dạng sinh học vịnh Hạ Long. Mỗi loài, mỗi cá thể sinh vật ở đây đã góp phần làm cho hang động trở thành một thế giới sinh động và độc đáo.
Nhóm động vật sống tạm thời trong hang động
Nhóm động vật ưa thích hang động
Nhóm động vật chỉ cư ngụ trong hang động
Trần Văn Hoa (P.NVNC)
Các tin cũ hơn:
Các tin mới hơn: