Tin tức
Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật Thủ tục hành chính công Invest Quảng Ninh

Giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn - giải pháp hữu hiệu trong quản trị bền vững Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long

Đăng lúc 09:52:37 Ngày 07/12/2020 | Lượt xem 1885 | Cỡ chữ

(Bài viết được đăng tại Tạp chí Di sản Văn hoá của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, số ra quý 4 - 2020)

 

 

Tóm tắt: Vịnh Hạ Long với đặc thù biển đảo rộng lớn, tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai bất thường, các hoạt động kinh tế - xã hội vùng ven bờ và trên Vịnh gia tăng… mỗi hoạt động, mỗi lĩnh vực được quản lý bởi một cơ quan chức năng bằng các luật định riêng. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy vịnh Hạ Long lại là một bài toán khó để có đáp số chính xác có thể giải thích thỏa đáng cho sự mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ Di sản vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh, mà hành động ưu tiên số một là xây dựng và thực hiện chương trình giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn với các chỉ tiêu giám sát cụ thể đã hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý hiệu quả Di sản. Các chỉ số đánh giá định kỳ cho thấy các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản tiếp tục được bảo tồn nguyên trạng, chất lượng môi trường nước vịnh Hạ Long và khu vực vùng đệm đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển; Di sản vịnh Hạ Long tiếp tục là điểm đến du lịch yêu thích được du khách bầu chọn và lựa chọn. 
Từ khóa: Di sản thế giới, quản lý, bảo vệ, giám sát định kỳ.
    Đặt vấn đề
    Khái niệm "giám sát" được hiểu rất khác nhau, tùy thuộc vào lĩnh vực áp dụng thuật ngữ này. Đối với mọi lĩnh vực, giám sát được sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động của các dự án, thể chế và chương trình do chính phủ, tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ thiết lập. Mục tiêu của nó là cải thiện việc quản lý đầu ra, kết quả và tác động hiện tại và tương lai. Nhiều tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ đã sử dụng quy trình giám sát này trong nhiều năm. Quy trình giám sát cũng ngày càng phổ biến ở các nước đang phát triển, nơi chính phủ đã tạo ra hệ thống giám sát của riêng quốc gia mình để đánh giá các dự án phát triển, quản lý tài nguyên và các hoạt động hoặc điều hành của chính phủ. Các nước phát triển đang sử dụng việc giám sát để đánh giá các cơ quan hợp tác và phát triển của chính họ. Trong lĩnh vực phát triển bền vững, giám sát là quá trình theo dõi, chứng kiến, phân tích việc thực hiện một hoặc các chỉ tiêu hay một hoặc các hoạt động nhằm hoàn thành mục tiêu nào đó trên cơ sở thu thập, phân tích có hệ thống dữ liệu về những chỉ số nhất định để cung cấp thông tin cho các nhà quản lý và các bên liên quan về tiến độ thực hiện, hiệu quả sử dụng các nguồn lực đã được phân bổ và các giải pháp đã triển khai để trong trường hợp cần thiết, có sự điều chỉnh hành động cho phù hợp. Theo Chương trình Con người và Sinh quyển thế giới, giám sát là việc quan sát thường xuyên các dữ liệu sinh học và hoạt động kinh tế - xã hội theo lịch trình định sẵn, trong một không gian và thời gian cụ thể và sử dụng phương pháp so sánh các dữ liệu được thu thập. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) giám sát các địa danh thiên nhiên qua việc thu thập thông tin về các chỉ số được đo đạc liên tục theo thời gian để đánh giá các xu hướng, các trạng thái, các hoạt động và quy trình quản lý của khu bảo tồn. Trong quản lý Di sản thế giới, giám sát là quá trình thu thập và phân tích dữ liệu định kỳ hoặc liên tục để đánh giá việc thực hiện một kế hoạch, chương trình, dự án, hoặc hoạt động và là một phần liên tục và không thể tách rời của hoạt động quản lý, nó phản hồi đều đặn cho các nhà quản lý và các bên liên quan về tiến độ thực hiện, việc hoàn thành các mục tiêu về bảo vệ môi trường, bảo tồn Di sản, và tiến trình phát triển. Nói cách khác, giám sát là sự kiểm tra tính hiệu quả của việc quản lý một Di sản Thế giới, vì nó đo lường việc thực hiện Kế hoạch quản lý cả về định lượng, cả định tính để xem xét liệu và những gì thuộc phạm vi “Giá trị nổi bật toàn cầu” của Di sản có được bảo tồn nguyên trạng.  
    1. Giám sát tình trạng bảo tồn Di sản thế giới của UNESCO:    
    Quy trình giám sát Di sản thế giới quy định tại Công ước Di sản thế giới là một trong những hệ thống giám sát toàn diện nhất được UNESCO xây dựng là công cụ được sử dụng trong bảo tồn theo luật pháp quốc tế. Quy trình giám sát này được coi là một chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu lực của Công ước Di sản thế giới và cung cấp một cái nhìn tổng quan toàn cầu duy nhất về tình trạng bảo tồn Di sản thiên nhiên và văn hóa. Ngay từ kỳ họp lần thứ 17 (Columbia/UNESCO 1993), Ủy ban Di sản thế giới đã quy định 3 loại hình giám sát sẽ được áp dụng trong bảo tồn Di sản: (1). Giám sát có hệ thống: là quá trình giám sát liên tục các điều kiện của các di sản thế giới với chu kỳ báo cáo định kỳ về tình trạng bảo tồn Di sản; (2). Giám sát theo chế độ hành chính là hoạt động giám sát của Trung tâm Di sản thế giới đối với việc thực hiện các quyết định, khuyến nghị của Quốc gia thành viên về công tác bảo tồn Di sản; (3). Giám sát phản hồi là quy trình báo cáo của Trung tâm DSTG, các bên liên quan và các cơ quan tư vấn lên Ủy ban Di sản thế giới về tình trạng bảo tồn các di sản cụ thể trong Danh mục Di sản thế giới và Danh mục Di sản đang bị đe dọa. Theo UNESCO, trên tinh thần Công ước DSTG, giám sát tình trạng bảo tồn Di sản là trách nhiệm chính của các Quốc gia thành viên thực hiện giám sát tại chỗ như một thành phần không thể thiếu của công tác bảo tồn và quản lý Di sản hàng ngày. Đoạn 132 - Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới quy định về một trong 9 nội dung yêu cầu phải có ngay từ bước lập hồ sơ đề cử Di sản thế giới "Để được coi là một hồ sơ đề cử hoàn chỉnh, các Quốc gia thành viên phải đưa ra các chỉ số sẵn có hoặc dự kiến để đo lường và đánh giá tình trạng bảo tồn di sản, các yếu tố tác động, các biện pháp bảo tồn, định kỳ kiểm tra, và thông tin liên hệ của các cơ quan có thẩm quyền". Thậm chí, ngay cả khi các khu Di sản đã được công nhận vào Danh mục Di sản thế giới, đặc biệt là đối với các khu Di sản thiên nhiên, nếu trong trường hợp dừng hoạt động đón khách tham quan thì các cơ quan quản lý Di sản vẫn phải duy trì việc giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn Di sản, kể cả sử dụng các hình thức giám sát bằng hình ảnh vệ tinh hoặc máy bay không người lái và các biện pháp can thiệp khẩn cấp trong trường hợp hỏa hoạn.
Công việc giám sát tình trạng bảo tồn các Di sản thế giới được Ủy ban ủy quyền cho các cơ quan tư vấn (IUCN, ICOMOS) thực hiện và xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo tồn của các Quốc gia thành viên. Ngoài ra, để đảm bảo tính chính xác trong các nguồn thông tin thể hiện trong Báo cáo, các Quốc gia thành viên có thể gửi báo cáo riêng tới Trung tâm DSTG trong thời hạn quy định, cung cấp thông tin sớm và đầy đủ về bất kỳ dự án phát triển hoặc tu bổ tôn tạo để Ủy ban Di sản có những tư vấn giải pháp phù hợp cho Quốc gia thành viên trong công tác bảo tồn. Do đó, giám sát được định hình như một công cụ phù hợp nhất để Ủy ban Di sản thế giới đánh giá tình trạng bảo tồn và các nguy cơ làm suy yếu Giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản. Kể từ năm 1979 đến nay, trung bình có 150 Di sản thế giới được Ủy ban Di sản thế giới giám sát hàng năm thông qua Quy trình giám sát phản hồi, trong đó bao gồm cả các khu Di sản nằm trong Danh mục Di sản trong tình trạng nguy hiểm và gần 4000 báo cáo về tình trạng bảo tồn 536 Di sản thế giới được Ủy ban Di sản thế giới xem xét, kiểm tra, trong số đó Di sản văn hóa thế giới Trung tâm lịch sử Florence - Italia được UNESCO công nhận vào năm 1982. Khu vực này được coi là biểu tượng của nghệ thuật và văn hóa Ý trên thế giới, thể hiện vai trò quan trọng trong lịch sử của nền văn minh, được biết đến là nơi ra đời của chủ nghĩa nhân văn hiện đại. Cơ quan quản lý khu Di sản xác định việc lập Kế hoạch quản lý và xây dựng hệ thống công cụ giám sát đầy đủ là điều kiện cần thiết để thực hiện bảo vệ Di sản này. Kế hoạch hành động bảo tồn Di sản thế giới thành phố lịch sử Florence được giám sát định kỳ dựa trên 311 chỉ số giám sát tập trung vào 03 lĩnh vực chính: (1) 63 chỉ số giám sát 5 nội dung quan trọng được xác định trong Báo cáo định kỳ (du lịch đại trà, giao thông và ô nhiễm đô thị, lũ lụt ở khu vực sông Arno, sự suy giảm dân cư sinh sống trong khu Di sản, bảo tồn di tích) và Tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu; (2). 124 chỉ số giám sát việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của Công ước Di sản thế giới 5Cs (Credibility: Uy tín; Conservation: Bảo tồn; Capacity building: Nâng cao năng lực; Communication: Truyền thông; Communities: Cộng đồng); (3). 124 chỉ số giám sát việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình Nghị sự Liên Hợp quốc 2030. Chương trình giám sát tình trạng bảo tồn Di sản văn hóa Trung tâm Lịch sử Florence được UNESCO và các cơ quan tư vấn, cơ quan phối hợp đánh giá cao về tính đầy đủ, hiệu quả, tính chiến lược và dễ thực hiện. 
2. Giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn Di sản thế giới ở Việt Nam và Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long:
 Đối với công tác quản lý, bảo vệ Di sản thế giới ở Việt Nam, một trong những hành động cần thiết là phải lập kế hoạch quản lý và giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn Di sản. Ngay từ Chương I của Nghị định số 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đề cập đến nhiều khái niệm mang tính đặc thù của lĩnh vực di sản vật thể, mà cụ thể là đối với di sản thế giới như: “Giá trị nổi bật toàn cầu”, “Tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu”, “Tính toàn vẹn”…Để bảo vệ và quản lý di sản thế giới một cách bền vững, khoa học,  Điều 5 của Nghị định nêu rõ 6 chỉ số cần được giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn yếu tố gốc của di sản gồm: tính toàn vẹn và tính xác thực; tính bền vững của công trình kiến trúc và địa điểm khảo cổ; sự bảo tồn và phát triển của hệ sinh thái, đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài bị đe dọa; chất lượng nguồn nước; tính bền vững của di sản văn hóa phi vật thể và các yếu tố gốc khác cấu thành giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới. 
Tổng thể khu Di sản vịnh Hạ Long hiện nay là một công trình tuyệt mỹ của tạo hoá, một sự kết hợp kì diệu giữa điêu khắc và hội họa, giữa các yếu tố đá, nước, bầu trời và ánh sáng với 1.969 hòn đảo trên diện tích 1.553 cây số vuông, tạo nên một bức tranh thuỷ mặc vĩ đại với vẻ đẹp vĩnh cửu, hùng tráng, duyên dáng và thơ mộng. Ngày 17/12/1994, vịnh Hạ Long chính thức trở thành Di sản thế giới thứ hai và là Di sản thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận vào Danh mục Di sản thế giới. Có thể nói, việc UNESCO ghi danh vịnh Hạ Long đã đem lại cơ hội lớn để Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, chọn lọc, bổ sung những yếu tố thích hợp làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc trên con đường hội nhập và phát triển. Theo các chuyên gia quốc tế, mặc dù giá trị nổi bật toàn cầu và các thuộc tính cấu thành lên giá trị của Di sản vịnh Hạ Long đang ở trong tình trạng bảo tồn tốt, nhưng vẫn tiềm ẩn các nguy cơ, mối đe dọa tác động tới Di sản. Do vậy cần phải có các chỉ tiêu và chỉ số rõ ràng để giám sát tình trạng bảo tồn và đánh giá từng nội dung quản lý, đảm bảo 6 nguyên tắc: (i) Phù hợp với mục tiêu quản lý di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; (ii) Phù hợp với hệ thống thể chế, chính sách của Việt Nam; (iii) Dễ hiểu, dễ sử dụng, phù hợp với điều kiện địa phương; (iv) Chính xác, có tính khoa học; (v) Có tính khả thi (vi) Phù hợp với nội dung quản lý theo chu trình quản lý. Giám sát là một phần triển khai Kế hoạch quản lý Di sản TNTG vịnh Hạ Long, và là công cụ được Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các ngành, địa phương liên quan sử dụng để giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn và đánh giá hiệu quả quản lý Di sản vịnh Hạ Long, nhằm đưa ra các cảnh báo, nguy cơ đối với các tác động đến giá trị di sản và triển khai các giải pháp bảo vệ kịp thời, phù hợp; Đồng thời là nguồn thông tin quan trọng để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý hiệu quả Di sản vịnh Hạ Long. 
Theo hướng dẫn tại Nghị định 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 về quản lý, bảo vệ Di sản văn hóa và tự nhiên thế giới và Bộ công cụ Nâng cao giá trị Di sản do UNESCO/IUCN ban hành, tình trạng bảo tồn và hiệu quả quản lý Di sản vịnh Hạ Long đang được giám sát và đánh giá dựa trên 17 tiêu chí và 44 chỉ số, được phân chia theo 6 nội dung quản lý chính: 
(1). Bối cảnh và hiện trạng quản lý gồm 3 tiêu chí giám sát và 12 chỉ số đánh giá về cơ cấu tổ chức quản lý, hệ thống văn bản pháp quy, quy chế, quy định quản lý, mức độ nguy cơ ảnh tác động của phát triển kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu đến các giá trị của di sản, mức độ bảo tồn bền vững các giá trị Di sản và mức độ phát triển bền vững của hoạt động du lịch ở khu di sản;
(2). Công tác xây dựng kế hoạch gồm 2 tiêu chí giám sát và 4 chỉ số đánh giá về tầm nhìn dài hạn phát triển bền vững và xây dựng kế hoạch trung hạn, hàng năm để thực hiện những mục tiêu quản lý vịnh Hạ Long;  
(3). Huy động nguồn lực đầu vào gồm 02 tiêu chí giám sát và 5 chỉ số đánh giá về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn lực tài chính trong quản lý vịnh Hạ Long, mức độ đáp ứng yêu cầu về hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu hiện có của cơ quan quản lý Di sản và các ngành liên quan;
(4). Quy trình quản lý và cơ chế điều phối trong khu Di sản vịnh Hạ Long gồm 2 tiêu chí giám sát và 03 chỉ số đánh giá hiệu quả công tác phối hợp thực hiện các mục tiêu quản lý  và vai trò, mức độ tham gia của cộng đồng địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch quản lý và giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý di sản;
(5). Sản phẩm đầu ra của công tác quản lý gồm 6 tiêu chí giám sát và 16 chỉ số đánh giá về hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường, thực trạng thu gom, xử lý chất thải tại các điểm tham quan, điểm dịch vụ du lịch, tuyến tham quan, tàu du lịch, hiện trạng bảo tồn và hiệu quả quản lý các hệ sinh thái, các loài đặc hữu, quý hiếm, các đảo đá, hang động, tùng - áng, bãi cát, di chỉ khảo cổ, văn hóa vật thể và phi vật thể của ngư dân làng chài trên vịnh Hạ Long, mức độ hài lòng của khách du lịch về các dịch vụ du lịch, mức độ hài lòng của các doanh nghiệp du lịch và hiệu quả công tác quản lý, tuyên truyền quảng bá Di sản. 
(6). Kết quả, hiệu quả công tác quản lý  Di sản gồm 2 tiêu chí giám sát và 4 chỉ số đánh giá về kết quả đạt được và hạn chế cần khắc phục trong công tác quản lý Di sản, sự hợp tác trong quản lý di sản và công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu của vịnh Hạ Long. 
Hiện nay, các khu di sản trên thế giới đang áp dụng phương pháp đánh giá nhanh (RAPPAM) của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), công cụ rà soát hiệu quả quản lý (METT) của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên, phương pháp lập kế hoạch hành động bảo tồn (CAP) của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Hoa Kỳ để cho điểm các chỉ số giám sát tình trạng bảo tồn và đánh giá hiệu quả quản lý Di sản theo thang điểm 5, từ thấp nhất 0 điểm tới cao nhất 4 điểm (WWF, 2003, 2016; Leverington 2008). Đối với Di sản vịnh Hạ Long, tình trạng bảo tồn và hiệu quả quản lý được đánh giá dựa trên giá trị trung bình cộng của các nội dung quản lý; nội dung quản lý có giá trị trung bình cộng của các tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý; các tiêu chí có giá trị trung bình cộng của các chỉ số cụ thể; các chỉ số có giá trị bằng điểm số, 0 điểm là thấp nhất và 4 điểm là cao nhất, được tính toán bằng cách kết hợp các phương pháp định tính và định lượng, cụ thể (1) Khi điểm trung bình các chỉ số nằm trong khoảng từ 0,0 < X ≤ 1,0: hiệu quả quản lý Di sản thấp, các yếu tố cấu thành lên giá trị nổi bật toàn cầu và tính toàn vẹn của vịnh Hạ Long đang trong tình trạng nguy hiểm, cần phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo tồn di sản; (2). Khi điểm trung bình các chỉ số nằm trong khoảng từ 1,0 < X ≤ 2,0 thì hiệu quả quản lý Di sản ở mức trung bình, các yếu tố cấu thành lên giá trị nổi bật toàn cầu và tính toàn vẹn của vịnh Hạ Long đang bị đe dọa, cần phải có những cảnh báo nguy cơ đối với tình trạng bảo tồn; (3). Khi điểm trung bình các chỉ sổ nằm trong khoảng từ 2,0 < X ≤ 3,0: hiệu quả quản lý vịnh Hạ Long ở mức khá, các giải pháp để bảo tồn các yếu tố cấu thành lên giá trị nổi bật toàn cầu và tính toàn vẹn của Di sản chưa được triển khai hiệu quả; (4). Điểm trung bình các chỉ sổ nằm trong khoảng từ 3,0 < X ≤ 4,0: hiệu quả quản lý Di sản đang ở điều kiện tốt, các yếu tố cấu thành lên giá trị nổi bật toàn cầu và tính toàn vẹn của Di sản đang được bảo tồn tốt. 
Tuy nhiên, các bên liên quan tham gia vào quy trình giám sát không phải lúc nào cũng hiểu đầy đủ về quy trình và thủ tục này. UNESCO cho rằng, sự thiếu hiểu biết hiện nay của các cơ quan ở cấp địa phương của một số Quốc gia thành viên về quy trình giám sát đã gây cản trở việc thực hiện đúng các Quyết định đã được Ủy ban Di sản thế giới thông qua và cho rằng các quyết định này có tác động tiêu cực đến Di sản, là tác nhân đưa Di sản từ Danh mục thế giới vào Danh mục Di sản lâm nguy, mà lẽ ra đó phải được coi là giải pháp hữu hiệu bảo vệ Di sản thế giới. Tại kỳ họp lần thứ 40 (Istanbul/UNESCO 2016), Ủy ban Di sản thế giới một lần nữa nhấn mạnh rằng giám sát là một chỉ số quan trọng phản ánh hiệu lực của Công ước Di sản thế giới, tuy nhiên thủ tục và các nội dung giám sát không phải lúc nào cũng được các bên liên quan hiểu một cách rõ ràng, do đó cần phải đánh giá hiệu quả quá trình giám sát. Các thành viên của Ủy ban cho rằng, hiện nay rất nhiều nhà quản lý Di sản thế giới và cộng đồng coi Di sản bị đưa vào Danh mục Di sản trong tình trạng nguy hiểm là đồng nghĩa với việc bị đưa vào danh sách "Di sản giảm chất lượng" và bây giờ sẽ là lúc để thay đổi nhận thức tiêu cực này và làm nổi bật lợi ích của Danh mục Di sản trong tình trạng nguy hiểm. Do đó, UNESCO đang xây dựng dự án “Nâng cao nhận thức về quy trình giám sát phản hồi” các nhà ban hành quyết định, các đầu mối quốc gia, nhà quản lý Di sản và cộng đồng địa phương về quy trình giám sát tình trạng bảo tồn Di sản và lợi ích của việc đưa các Di sản thế giới vào Danh mục Di sản trong tình trạng lâm nguy.  
Hiện nay, các khu Di sản thế giới ở Việt Nam đang thực hiện theo chế độ giám sát tự phát do chưa xây dựng được khung giám sát quy định cụ thể nội dung 6 chỉ số cần được giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn yếu tố gốc của di sản, một số khu Di sản mới chỉ đưa ra được chỉ báo cho công tác giám sát mà chưa xây dựng được chỉ số cụ thể để giám sát tình trạng bảo tồn và đánh giá hiệu quả quản lý. Từ thực tiễn công tác giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn Di sản vịnh Hạ Long, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:
- Để công tác giám sát tình trạng bảo tồn và quản lý Di sản thế giới được triển khai hiệu quả, cần có khung giám sát dành cho các Di sản văn hóa và Di sản thiên nhiên về các nội dung liên quan đến 6 chỉ số cần được giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn yếu tố gốc của di sản thế giới, quy định tại Điều 5, Nghị định số 109/2017/NĐ-CP.
- Mỗi một nội dung giám sát, cần xây dựng những chỉ tiêu giám sát và chỉ số đánh giá hiệu quả quản lý và hiện trạng bảo tồn cụ thể, từ đó có những giải pháp khắc phục phù hợp. 
- Hàng năm cần tổ chức rà soát, đánh giá chương trình giám sát định kỳ để bổ sung tiêu chí giám sát những yếu tố, nguy cơ mới tác động đến công tác bảo tồn Di sản hoặc điều chỉnh chỉ số đánh giá hiệu quả quản lý cho phù hợp với thực tế.
Kết luận:
Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội ngày càng mạnh mẽ, tình hình biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay, dự báo công tác bảo tồn và phát huy giá trị các Di sản thế giới của Việt Nam sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là những thác thức về cơ chế chính sách, nguồn lực, áp lực từ sự phát triển với bảo vệ môi trường, về đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, quản lý Di sản theo hướng thân thiện, văn minh, trở thành điểm đến an toàn, lành mạnh với du khách. Để đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, chia sẻ lợi ích với cộng đồng từ Di sản, hướng tới đến năm 2030 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, từng Di sản căn cứ tính chất, giá trị nổi bật toàn cầu và điều kiện cụ thể để xây dựng phương án, cách thức quản lý, bảo vệ và phát huy khai thác một cách thích hợp.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Công ước quốc tế về bảo vệ Di sản văn hóa và tự nhiên thế giới.

2. Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới 1972.

3. Quyết định của Ủy ban Di sản thế giới tại kỳ họp lần thứ 17 (1993).

4. Quyết định của Ủy ban Di sản thế giới tại kỳ họp lần thứ 40 (2016).

5. UNESCO, 2006. Sổ tay đánh giá tiến độ và kết quả của công tác quản lý tổng hợp biển và vùng bờ biển.

6.  WWF, 2003. Rapid Assessment and Prioritization of Protected Area Management (RAPPAM) Methodology. Gland, Switzerland

7. WWF, 2016. METT Handbook: A Guide to Using the Management Effctiveness Tracking Tool (METT), WWF-UK.

 

 

 

                                                                                                                                Phạm Đình Huỳnh  
                                                                                                                             Phó Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long 

8/10 628 bài đánh giá
messenger icon
Các tuyến tham quan