Đăng lúc 10:55:53 Ngày 11/10/2019 | Lượt xem 14492 | Cỡ chữ
Vịnh Hạ Long nằm trong khu vực địa lý nối liền với vịnh Bái Tử Long và quần đảo Cát Bà tạo thành một quần thể biển đảo có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để hình thành một hệ thống đa dạng các habitat (nơi sinh cư) biển và đảo. Đây chính là cơ sở để hình thành nên sự đa dạng sinh học cho vịnh Hạ Long.Các nhà khoa học đã đánh giá vịnh Hạ Long là một trong những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao.Giá trị đa dạng sinh học của vịnh Hạ Long thể hiện ở sự đa dạng về các hệ sinh thái, đa dạng về nguồn gen quí hiếm và đa dạng về thành phần giống loài.
Đa dạng về Hệ sinh thái
Trong vùng vịnh Hạ Long tồn tại 10 kiểu hệ sinh thái rất đặc thù của quần đảo đá vôi vùng nhiệt đới, bao gồm:
Hệ sinh thái thảm thực vật trên đảo
1) Hệ sinh thái thảm thực vật trên đảo: Là nơi sinh sống và phát triển của 507 loài thực vật (thuộc 351 chi, 110 họ thực vật bậc cao có mạch). Đặc biệt là 21 loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam và 17 loài thực vật đặc hữu được các nhà khoa học ghi nhận chỉ phân bố trong khu vực vịnh Hạ Long mà chưa được công bố ở nơi nào khác.
Danh mục 21 loài thực vật quý hiếm trên cạn đã được ghi nhận trong sách đỏ có phân bố trên vịnh Hạ Long:
1. Quyền bá trường sinh (Selaginella tamariscina); | 12. Mã tiền hoa tán (Strychnos umbellata); |
2. Ráng duôi phụng bon (Drynaria bonii); | 13. Bình vôi đầu (Stephania cepharantha); |
3. Đài mác (Chroesthus lanceolata); | 14. Lá khôi (Ardisia sylvestris); |
4. Thôi chanh bắc (Alangium tonkinense); | 15. Rau sắng (Meliantha suavis); |
5. Sơn địch (Aristolochia indica); | 16. Vương tùng (Murraya glabra); |
6. Hoa tiên (Asarum glabrum); | 17. Bông mộc(Sinoradlkofera minor); |
7. Tiết căn (Sarcostemma acidum); | 18. Sến mật (Madhuca pasquieri); |
8. Thư tràng (Gymnostemma pentaphyllum); | 19. Trọng lâu nhiều lá (Paris polyphylla); |
9. Hoè bắc bộ (Sophora tonkinense); | 20. Mần nghệ (Dioscorea collettii); |
10. Mã tiền cà thây (Strychnos cathayensis); | 21. Bách bộ (Stemona saxorum). |
11. Mã tiền lông (Strychnos ignatii); |
17 loài thực vật đặc hữu của vịnh Hạ Long:
Ngũ gia bì Hạ Long | Cọ Hạ Long | Tuế Hạ Long |
Bóng nước Hạ Long | Cầy ri một cặp Hạ Long | Cầy ri Hạ Long |
Cầy ri hiệp Hạ Long | Cầy ri ôn hòa Hạ Long | Song bế Hạ Long |
Sung Hạ Long | Cơm nguội chân Hạ Long | Nhài Hạ Long |
An Điền Hạ Long | Ngoại Mộc Tai Hạ Long | Nan Ông Hạ Long |
Riềng Hạ Long |
2) Hệ sinh thái tùng áng: Là một kiểu hệ sinh thái đặc trưng, độc đáo của vùng biển có các đảo đá vôi như vịnh Hạ Long - Bái Tử Long - Cát Bà. Hệ sinh thái tùng áng nằm biệt lập với môi trường bên ngoài, xung quanh được bao quanh bởi các đảo đá vôi, trên bờ là các thảm thực vật xanh ngát bao phủ, dưới nước là thế giới sống động của các loài sinh vật biển tạo nên một kiểu sinh cảnh đẹp, yên bình, khác biệt nên rất hấp dẫn và mở ra nhiều bất ngờ thú vị. Thành phần loài động, thực vật sống trong các tùng, áng đã phát hiện được có 21 loài Rong, 37 loài thân mềm, 8 loài Giáp xác, 6 loài Da gai và một số loài San hô. Những sinh vật này có thời gian dài thích nghi với môi trường sống biệt lập trong các tùng áng nên phát triển khá ổn định và có nhiều loài mang đặc điểm khác biệt, đặc hữu so với các loài sinh vật khác bên ngoài.
Hệ sinh thái tùng áng
3)Hệ sinh thái Hang động: Hệ sinh thái hang động cũng là một hệ sinh thái đặc thù của vùng biển đá vôi. Môi trường sống trong hang động thường thiếu ánh sáng, độ ẩm không khí cao, nguồn thức ăn tự nhiên nghèo, nhiệt độ ổn định quanh năm nên cấu trúc quần xã sinh vật nghèo hơn hẳn so với các hệ sinh thái khác, phần lớn đều là những loài đặc hữu cho khu vực. Tuy nhiên, đây lại là những nhóm sinh vật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu quá trình tiến hóa của sinh vật. Một số loài tiêu biểu đã được phát hiện như: thạch sùng mí, cua hang Hạ Long, cá niếc hang, tôm gõ mõ...
Rệp hang catbaensis (Ảnh: Ban QLVHL)
Thạch sùng mí - Goniurosaurus catbaensis (Ảnh: Ban QLVHL)
4) Hệ sinh thái vùng triều đáy cứng: Hệ sinh thái vùng triều đáy cứng (hay còn gọi là Hệ sinh thái bãi triều rạn đá quanh các đảo) chủ yếu là các bãi triều có rạn đá phân bố quanh các chân đảo trong khu vực vịnh Hạ Long. Nền đáy chủ yếu là các vách đá, các ngấn biển, đôi chỗ là những nơi đá cuội, đá tảng trượt từ trên núi xuống trải rộng từ 5 - 10m. Do có nền đáy ít bị biến đổi nên môi trường trong HST này tương đối ổn định, có nhiều hang, hốc làm nơi trú ngụ và lẩn trốn kẻ thù nên thành phần loài của HST thái này rất phong phú và đa dạng với khoảng 423 loài sinh vật như rong biển, san hô, ốc, hai mảnh vỏ, bò sát, giáp xác... sinh sống và phát triển. Mặc dù thành phần loài phong phú nhưng diện tích nhỏ nên giá trị nguồn lợi (năng suất) của sinh vật biển trong khu vực này không cao. Đáng chú ý có loài Rong mơ (Sarrgassum spp), các loài ốc, hàu nhưng cũng chỉ có giá trị phục vụ bữa ăn hàng ngày tại các chợ địa phương.
Hàu - Hải sản đặc biệt giàu chất dinh dưỡng
5) Hệ sinh thái vùng triều đáy mềm: Hệ sinh thái vùng triều đáy mềm là các bãi triều thấp quanh các đảo ven bờ vịnh Hạ Long. Dựa vào đặc điểm của nền đáy có thể chia thành 2 kiểu: kiểu bãi triều là cát bột, bùn sét tiếp giáp với rừng ngập mặn; kiểu cồn cát, doi cát nổi lên ở phía ngoài cửa sông. Hệ sinh thái vùng thấp triều có môi trường sinh thái phức tạp, biến đổi theo mùa và theo thời gian trong ngày, theo con nước triều khá lớn. Do điều kiện môi trường của hệ sinh thái đáy mềm cửa sông phức tạp nên thành phần loài của quần xã sinh vật nghèo hơn so với vùng triều các đảo xa bờ. Quần xã sinh vật ở đây được chia thành 2 nhóm khác nhau: Nhóm sống định cư trên bãi triều bao gồm các loài động vật đáy; rong biển, cỏ biển, cá biển, và nhóm sống trong tầng nước di cư theo thuỷ triều bao gồm: Thực vật phù du, Động vật phù du, Cá biển. Ngoài ra một số loài động vật có xương sống cũng sinh sống, kiếm ăn trên vùng bãi triều cửa sông khi triều rút như rắn nước, chim nước ...
6) Hệ sinh thái bãi triều cát: Hệ sinh thái bãi triều cát là bãi triều cát ven các hõm đảo nhỏ, một số vùng bãi cát được che chắn và có rạn san hô phát triển phía dưới. Mặc dù số lượng bãi triều cát khá nhiều nhưng do địa hình đảo đá vôi thường có vách đá dựng đứng nên các bãi đều nhỏ, độ dốc lớn, cấu tạo bởi cát vỏ sinh vật như san hô, thân mềm (ốc, ngao, trai…). Bãi thường bị phơi khi thủy triều xuống. Thành phần loài sinh vật trên các bãi triều cát khá nghèo nàn so với các kiểu hệ sinh thái khác và giá trị nguồn lợi không cao. Đặc điểm cơ bản của các bãi triều cát là hầu như không có sự phân bố của sinh vật theo đới do nền đáy không ổn định. Một số loài động vật bắt gặp trong hệ sinh thái này như: cua ma, dã tràng, giun nhiều tơ, hai mảnh vỏ, ốc, giáp xác và da gai, tổng cộng đã phát hiện được 116 loài sinh vật trên các bãi triều cát trong vùng.
Rừng ngập mặn vịnh Hạ Long
7) Hệ sinh thái rừng ngập mặn: Rừng ngập mặn là một hệ sinh thái quan trọng, là nơi sinh cư của nhiều loài hải sản có giá trị trong khu vực vịnh Hạ Long. Khu vực vịnh Hạ Long và vùng phụ cận có 30 loài, chiếm khoảng 32% thành phần loài của thực vật ngập mặn Việt Nam. Trong số 500 loài sinh vật sinh sống trong rừng ngập mặn tại vịnh Hạ Long có 3 loài ốc, 3 loài bò sát, 3 loài chim và 1 loài thú nằm trong Danh lục đỏ Việt Nam, một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao như ngán, sá sùng, bạch tuộc (ruốc), sò, cua... tạo nên những món ăn hải sản đặc trưng riêng tại địa phương.
Thảm cỏ biển vịnh Hạ Long
8) Hệ sinh thái thảm cỏ biển: Là một hệ sinh thái biển quan trọng. Các thảm cỏ biển là nơi ương nuôi ấu trùng và định cư của nhiều loài tôm, cua, cá; đồng thời, hệ sinh thái cỏ biển còn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định nền đáy và xử lý nước thải. Theo một số nghiên cứu trước đây, khu vực vịnh Hạ Long - Cát Bà đã phát hiện được 5 loài cỏ biển. Tuy nhiên, hiện nay diện tích các thảm cỏ biển tại vịnh Hạ Long đã bị thu hẹp nhiều do các công trình lấn biển, các vùng ven bờ hầu như không còn các bãi cỏ biển, do đó, không phát huy được giá trị của hệ sinh thái này.
9)Hệ sinh thái vùng ngập nước thường xuyên ven bờ: Hệ sinh thái vùng ngập nước thường xuyên ven bờ là phần mặt nước có độ sâu 0 – 20 m. Đây là một khối nước tương đối đồng nhất, nên khu hệ sinh vật bao gồm nhiều nhóm loài khác nhau như Thực vật phù du, Động vật phù du, Động vật đáy, Cá biển, Bò sát, giáp xác, thân mềm... Trong đó rất nhiều loài có giá trị kinh tế như cua biển, tôm he, cá vược, …
Cá Vược
10)Hệ sinh thái rạn san hô: Rạn san hô tại vịnh Hạ Long được cấu tạo chủ yếu bởi các loài san hô cứng. Khu vực tập trung nhiều san hô nhất là Cống Đỏ, Trà Sản, Hang Trai, Đầu Bê (có độ phủ từ 30% - 45%). Một số loài sinh vật biển có giá trị kinh tế quan trọng sinh sống của hệ sinh thái rạn san hô như tu hài, sò lông, cá song, cá mú, trai ngọc, tôm hùm... Ngoài các loài có giá trị kinh tế, trên rạn san hô còn phân bố nhiều loài bị đe doạ tuyệt chủng, quý hiếm nằm trong Danh lục đỏ Việt Nam như rong chân vịt nhăn, cá ngựa gai, cá ngựa nhật, cá ngựa đen, san hô sừng cành dẹp, san hô lỗ đỉnh, sam ba gai đuôi, ốc đụn đực, ốc đụn cái, ốc xoắn vách, trai ngọc môi đen, mực thước, mực nang vân hổ….
Rạn San hô - vịnh Hạ Long
Đa dạng về thành phần loài
Thế giới sinh vật tại vịnh Hạ Long rất đa dạng và phong phú, ở đây tập trung đầy đủ thành phần các loài sinh vật trên cạn, dưới nước, bậc thấp, bậc cao cùng sinh sống trong 10 hệ sinh thái biển và rừng khác nhau. Đến nay đã thống kê được gần 3.000 loài động thực vật sống trong khu vực, trong số đó có 507 loài thực vật trên cạn, 278 loài thực vật phù du, 141 loài động vật phù du, 110 loài san hô, 156 loài cá biển, 71 loài chim, 53 loài thú... Sự đa dạng về thành phần loài trên cạn, dưới nước đã nói lên bức tranh đa dạng sinh học của vịnh Hạ Long, đưa vịnh Hạ Long trở thành khu vực có số lượng loài nhiều nhất đã biết ở Việt Nam.
Đa dạng nguồn gen
Đa dạng về nguồn gen đã khẳng định được sự khác biệt của Hạ Long so với các vùng khác trong khu vực. Rất nhiều loài sinh vật sinh sống tại vịnh Hạ Long mang nguồn gen đặc hữu, quý hiếm, nguồn gen dược liệu hoặc có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, các nhà khoa học đã xác định được 102 loài đang bị đe dọa ở các cấp độ khác nhau (64 loài động vật và 38 loài thực vật). Một số nhóm sinh vật có số lượng ít nhưng hầu hết đều mang nguồn gen đặc hữu của vịnh Hạ Long, tiêu biểu trong số đó là: cá Niếc hang Hạ Long, cua hang Hạ Long, tôm Alpheoid, Rết chân dài... và 17 loài thực vật đặc hữu đã được công bố. Bên cạnh đó, một số nguồn gen khác lại là kho dược liệu tự nhiên, sơ bộ ước tính khoảng 357 loài cây cỏ và gần 100 động vật có thể làm thuốc được. Một số nguồn gen có giá trị kinh tế cao, là đặc sản để làm thực phẩm, mỹ nghệ xuất khẩu như: Bào ngư, ốc đụn, ốc hương, ốc nhảy, sò, tu hài, tôm he, cua, hải sâm, trai ngọc, cá song...
Có thể nói, vịnh Hạ Long là một trong số ít khu vực có địa hình tự nhiên đa dạng và tồn tại nhiều kiểu hệ sinh thái khác nhau mang đặc trưng của vùng đá vôi phát triển trong môi trường biển. Chính sự đa dạng về các hệ sinh thái đã tạo nên các nơi sinh cư khác biệt trong cùng một khu vực địa lý, đây là điều kiện lý tưởng để hình thành nên một số lượng loài sinh vật và các giá trị nguồn gen đặc hữu, quý hiếm. Những nguồn gen đặc hữu, quý hiếm và ít được biết đến mang một ý nghĩa rất quan trọng, đây là những mẫu vật sống phục vụ cho việc nghiên cứu quá trình tiến hóa, phát triển của sinh vật mang những đặc trưng riêng về môi trường sống trong khu vực./.
Phòng Nghiệp vụ Nghiên cứu
vịnh hạ long Khác: