Tin tức
Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật Thủ tục hành chính công Invest Quảng Ninh

Động Tiên Ông - “Ngôi nhà tự nhiên”  của cư dân Hạ Long thời tiền sử

Đăng lúc 09:32:23 Ngày 17/06/2021 | Lượt xem 2319 | Cỡ chữ

Không hoành tráng như Sửng Sốt hay lộng lẫy như Thiên Cung, động Tiên Ông (vịnh Hạ Long) thu hút du khách bởi chiều sâu của giá trị văn hóa lịch sử. 
Động Tiên Ông nằm ở trung tâm hòn Cái Tai thuộc khu vực đảo Hang Trai, cách cảng tàu quốc tế Tuần Châu khoảng 18km, cách cảng tàu quốc tế Hạ Long khoảng 16,5 km. Khác với phần lớn các hang động khác trên vịnh Hạ Long, Tiên Ông có cửa rất rộng, chứa đựng dấu vết kiến tạo của tự nhiên với nhiều khối thạch nhũ rơi xuống. Nửa phía ngoài động cũng là khu vực được chiếu sáng phủ đầy trầm tích nhuyễn thể không kết khối. Bên trong có khối thạch nhũ trông xa gần giống với hình ảnh ông Tiên nên người dân đã gọi tên động là Tiên Ông.
Với những dấu tích còn lại, động Tiên Ông đã được nhiều nhà khảo cổ học quan tâm nghiên cứu, khảo sát. Năm 2007, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng lịch sử Quốc gia) đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) tiến hành khai quật động Tiên Ông, mở 4 hố khai quật và 01 hố thám sát với tổng diện tích 42m2. Hiện vật thu được bao gồm các nhuyễn thể (nước mặn và nước ngọt, trong đó nước ngọt chiếm đa số), đồ đá, đồ xương, đồ gốm. Căn cứ trên diễn biến địa tầng và các hiện vật thu được, một lần nữa các nhà khoa học khẳng định Tiên Ông từng là nơi cư trú, sinh sống của người Việt cổ thuộc nền văn hóa Soi Nhụ trên vịnh Hạ Long, có niên đại cách ngày nay khoảng từ 10.000 - 8.000 năm. Đặc biệt, theo báo cáo khoa học sau khai quật, hang Tiên Ông chính là hang Đục được nhà khảo cổ học người Thụy Điển J.Anderson phát hiện, khảo sát vào năm 1938.
Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và khoa học, động Tiên Ông là nơi đầu tiên và duy nhất hiện nay được Ban Quản lý vịnh Hạ Long phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh chọn để trưng bày các tư liệu, di vật khảo cổ từ năm 2017. Để giới thiệu về khu trưng bày, Ban quản lý vịnh Hạ Long đã sử dụng sơ đồ phân bố các di chỉ khảo cổ học, hệ thống pano và đặc biệt là 14 tủ trưng bày với hơn 200 hiện vật được phát hiện tại một số di chỉ trên vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, các hố khai quật cũng được khoanh vùng, bảo vệ và cắm biển giới thiệu.
Với 2 nội dung trưng bày chính: văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Hạ Long, khu trưng bày đã giới thiệu một số vấn đề về đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Hạ Long thời tiền sử, giúp du khách hiểu về cách thức con người đã ứng xử với thiên nhiên để sáng tạo ra văn hóa của mình. Trong đó, chiếm phần lớn là những hiện vật thuộc giai đoạn văn hóa Soi Nhụ (công cụ bằng đá, những mảnh gốm, mảnh xương thú, đặc biệt là khối lượng lớn trầm tích nhuyễn thể nước ngọt, vỏ ốc núi, ốc suối bị chặt đuôi...) minh chứng phương thức kiếm sống của người Hạ Long tiền sử khi vịnh Hạ Long còn là môi trường lục địa. Còn một số hiện vật thuộc giai đoạn văn hóa Hạ Long (vỏ nhuyễn thể nước mặn, bôn đá, rìu đá, bộ sưu tập đốt sống cá, lưỡi câu đồng...), với những kỹ thuật chế tác công cụ đá hết sức tinh xảo thể hiện sự phát triển rực rỡ của một nền văn hóa mang đậm sắc thái của cư dân vùng biển.
Với không gian khoáng đạt và là nơi trưng bày bảo tàng tại di tích khảo cổ duy nhất hiện nay trong lòng di sản, chắc chắn động Tiên Ông là điểm đến không thể thiếu trong hành trình tham quan vịnh Hạ Long dành cho những du khách yêu thích khám phá giá trị văn hóa lịch sử. 
 

 

Phạm Thị Tuyết Nhung (P.NVNC)

9/10 773 bài đánh giá
messenger icon
Các tuyến tham quan