Đăng lúc 09:12:28 Ngày 07/06/2021 | Lượt xem 1627 | Cỡ chữ
Thời kỳ Pleixtoxen giữa và muộn (từ 781 nghìn đến 11,7 nghìn năm trước ngày nay) là thời kỳ có khí hậu mát lạnh, mưa nhiều nên thuận lợi cho quá trình tạo nên hệ thống hang động nổi tiếng trên vịnh Hạ Long. Trong 3 nhóm hang động (nhóm di tích hang ngầm cổ, nhóm hang nền cổ và nhóm hang hàm ếch biển), các nhà khoa học nhận định nhóm di tích hang ngầm cổ có tuổi hình thành sớm nhất và chúng chính là những di tích của những dòng chảy cổ trên vịnh Hạ Long.
Quá trình hình thành ban đầu của các hang ngầm cổ chủ yếu do hoạt động kiến tạo và tác động của nước ngầm, các dòng chảy cổ trong lòng núi đá vôi, ngoài ra ở điều kiện cụ thể của vịnh Hạ Long quá trình này còn liên quan đến mực nước biển cổ. Sự hạ thấp liên tục của mực nước cơ sở đã làm cho chúng khô cạn, chơ vơ. Đồng thời mặt đất cũng hạ lún, chia cắt hệ thống hang cổ này từng phần. Ngày nay các mảng bị cắt cụt lộ ra trên vách các đảo đá, những mảng khác còn lại được bảo tồn bên trong các đảo đá vôi và những mảng này chính là những di tích hang ngầm cổ trên vịnh Hạ Long. Sự khác biệt của nhóm di tích hang ngầm cổ với các nhóm hang khác là quy mô rộng lớn, lối đi dốc và hệ thống thạch nhũ trong hang phát triển phong phú, đa dạng. Hệ thống thạch nhũ trong hang ngầm cổ trên vịnh Hạ Long được hình thành khi hang đã được nâng cao trên mặt biển. So với tuổi của hang, tuổi của thạch nhũ trong hang trẻ hơn nhiều bởi chúng được hình thành vào thời kỳ Holoxen (khoảng 11,7 nghìn năm trước ngày nay), đây là thời kỳ có khí hậu ấm dần lên. Khi nhiệt độ cao, thuận lợi cho quá trình thành tạo thạch nhũ trong hang động.
Hiện nay, trên vịnh Hạ Long phát hiện khoảng hơn 20 di tích hang ngầm cổ, trong số này có nhiều hang động đẹp, nổi tiếng như: Thiên Cung, Sửng Sốt, Đầu Gỗ, Tam Cung, Cặp La, Cống Đầm…
Di tích dòng chảy cổ trong hang Cặp La - vịnh Hạ Long
Những cụm nhũ đá phát triển trong hang Cống Đầm
Các thành tạo nhũ trong động Mê Cung
Trần Văn Hoa (P.NVNC)
Các tin cũ hơn:
Các tin mới hơn: