Tin tức
Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật Thủ tục hành chính công Invest Quảng Ninh

Đền Đầu Mối -vịnh Hạ Long

Đăng lúc 11:30:53 Ngày 12/07/2024 | Lượt xem 396 | Cỡ chữ

Đền Đầu Mối nằm ở phía Tây hòn Đầu Mối, cách Cảng tàu du lịch Tuần Châu 25 km về phía Đông, đền tọa lạc trên một bãi đá, cao khoảng 5m so với mực nước biển, tổng thể mặt bằng đền có kích thước chiều dài 90m, chiều rộng 25m. Mặt chính của đền hướng về phía Tây Bắc, phía trước nhìn ra vịnh Hạ Long.
Theo giải thích của nhân dân địa phương, thời nhà Trần (1255 - 1400) tại khu vực hòn Đầu Mối có đặt trạm gác kiểm soát con đường thuỷ từ Cửa Lục về Cửa Suốt và truyền tin báo hiệu bằng cách đốt lửa cho khói bốc lên khi có biến về Cửa Suốt - nơi Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng trấn giữ. Người chỉ huy trạm gác là một gia tướng của Trần Quốc Tảng có chức danh ghi trên bài vị là Quan Quận công. Với địa thế có thể quan sát cả một vùng biển rộng, khuất gió mùa đông bắc khói có thể bốc lên cao khi đốt lửa và là đầu mối quan trọng trong hệ thống trạm kiểm soát và truyền tin về đồn Cửa Suốt nên trạm gác này có tên là trạm Đầu Mối và hòn đảo có đặt trạm Đầu Mối gọi là hòn Đầu Mối.
Ông Quan Quận trấn giữ ở trạm Đầu Mối trong một lần đi áp tải bè gỗ từ miền Đông về thì gặp cơn giông bất ngờ, bè bị vỡ và đắm, ông chết đuối tại vùng nước cách hòn Đầu Mối 400 m về phía Đông Nam,xác dạt vào một hòn đảo, nhân dân địa phương đã mai táng và lập đền thờ ông tại hòn Đầu Mối. Từ đó, nơi chiếc bè của ông bị đắm được gọi là khu vực Bè Vỡ và gọi ngôi đền nằm trên hòn Đầu Mối là đền Đầu Mối.
Từ những năm 1942 trở về trước đền Đầu Mối đã tồn tại là một thảo am bên cạnh ngôi mộ trong hốc đá. Năm 1981 ngư dân vùng Hạ Long sửa chữa lại ngôi đền bằng các vật liệu gạch ống, tre gỗ, ngói Giếng Đáy để thờ phụng.
Hiện nay, trong đền Đầu Mối ngoài tượng Quan Quận Công - thần chủ ngôi đền được tạc năm 1981, còn có các tượng Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn); tượng Đông Hải Đại Vương (Trần Quốc Tảng); tượng Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng ngàn trong đền Mẫu, tượng đài Phật Quan âm ngoài sân...
    Một đặc điểm của ngư dân vùng Hạ Long là họ sống trên thuyền, cư trú trong một khu vực nhất định, mỗi gia đình đều có bàn thờ gia tiên trên con thuyền của mình. Tuy nhiên, bên cạnh việc thờ cúng gia tiên trên thuyền, những ngôi đền, miếu như: Đền Đầu Mối, đền Cậu Vàng (Cửa Vạn), miếu Sửng Sốt (trước cửa hang Sửng Sốt), miếu Thiên Cung (trước cửa động Thiên Cung)... là những điểm thờ cúng, sinh hoạt văn hóa, tâm linh của ngư dân Hạ Long.
Với hiện trạng thực tế còn lưu giữ được, di tích đền Đầu Mối có những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân. 

 

 

Nguyễn Thị Ngọc Hiền

7/10 132 bài đánh giá
messenger icon
Các tuyến tham quan