Đăng lúc 16:33:00 Ngày 26/03/2024 | Lượt xem 474 | Cỡ chữ
Rác vẫn tiếp tục trôi nổi trên biển vịnh Hạ Long nhiều ngày qua không chỉ khiến các nhà quản lý đau đầu mà còn khiến nhiều du khách xót xa, đặc biệt là nhiều khách nước ngoài đã phản ánh.
Cố gắng khắc phục tình trạng này, cơ quan quản lý Di sản – Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã tăng cường phương tiện, nhân lực tập trung thu gom rác thải trôi nổi trên biển, ở những vùng rác tập trung, ở những luồng, tuyến tham quan và cả ở những chân các đảo đá, bãi cát…suốt từ tuyến tham quan số 1 (dãy đảo Đầu Gỗ, hòn Trống Mái), tuyến tham quan số 2 (khu vực dãy đảo Bồ Hòn….) tới tuyến tham quan số 3, 4 (khu vực Vung Viêng), xa hơn nữa là tới khu vực hòn Trà Giới, hòn Quyến Rồng.
Không chỉ cơ quan quản lý Di sản, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ trên biển, nhiều chủ tàu cũng chủ động thu gom rác thải trên biển. Đồng thời tại địa bàn các Trung tâm Bảo tồn Di sản đều có lực lượng giám môi trường trên biển không chỉ kiểm tra việc thu gom xử lý rác thải mà còn có thể phát hiện, báo cáo xử lý kịp thời khi có rác trôi nổi từ các nguồn chảy về vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, việc thu gom dù cố gắng đến mấy cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Ban Quản lý vịnh Hạ Long thu gom rác trôi nổi trên biển
Vịnh Hạ Long có diện tích 1.553 km2 bao gồm 1.969 hòn đảo. Phía Bắc và Tây Bắc của vịnh Hạ Long kéo dài từ thị xã Quảng Yên đến hết phần biển đảo huyện Vân Đồn, phía Đông Nam và phía Nam giáp bờ Tây vịnh Bắc Bộ, phía Tây Nam giáp đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng). Trên diện tích mặt biển rộng lớn, có nhiều hoạt động kinh tế xã hội đan xen, việc thu gom rác là hết sức khó khăn chưa kể việc kiểm soát các nguồn rác thải ra.
Bè mảng hoạt động nuôi thuỷ sản trôi dạt và mắc kẹt vào chân đảo
Rác thải thu gom tại các chân bãi đảo chủ yếu là phao xốp, dây thừng, tre, nứa
Rác thải trên vịnh Hạ Long đến từ nhiều nguồn như hoạt động kinh doanh du lịch, nuôi trồng thuỷ hải sản, dân sinh…. Nhưng trên tình hình thực tế lượng rác đang được thu gom trên Vịnh, rác được thu gom chủ yếu là phao xốp, tre nứa, bè mảng tre nứa, dây thừng (rác thải từ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản), số ít là chai lọ và rác thải từ các hoạt động khác.
Trước tình hình lượng rác thải lớn thường xuyên đổ về vịnh Hạ Long, việc thu gom xử lý rác thải là cần thiết, đặc biệt trước mắt là tại các điểm đang đón tiếp khách du lịch, các luồng, tuyến…Tuy nhiên, nếu nguồn rác còn thì việc tập trung thu gom vẫn sẽ tiếp tục nhiều ngày không biết đến bao giờ.
Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản tại khu vực Vũng Bầu, Cẩm Phả
Qua quá trình kiểm tra, Ban Quản lý vịnh Hạ Long thấy tại phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả còn tồn tại hàng trăm hộ dân nuôi trồng thuỷ sản, kéo dài hàng kilomet với diện tích khoảng 100ha, trong đó có nhiều vật liệu lồng bè, phao xốp đã được cắt rời, trôi nổi tự do. Trước tình hình này, Ban Quản lý vịnh Hạ Long có văn bản gửi UBND thành phố Cẩm Phả đề nghị khẩn trương chỉ đạo tháo dỡ, di dời toàn bộ các lồng bè, phao xốp tại khu vực Vũng Bầu, phường Quang Hanh. Trong quá trình triển khai di dời, tháo dỡ lồng bè cần có các giải pháp quây, gom để chống phát tán phao xốp và các vật liệu lồng bè ra môi trường biển và Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Không chỉ là các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, để bảo vệ môi trường Di sản vịnh Hạ Long, chính quyền tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chức năng liên quan cũng cần có những giải pháp hạn chế rác thải từ hoạt động kinh doanh dịch vụ trên biển và ven bờ, từ các khu dân sinh…
“Một vịnh Hạ Long đẹp huyền diệu với những giá trị vô song được tạo nên từ chiều sâu lịch sử hàng trăm triệu năm. Để có được một Kim Tự Tháp,con người chỉ cần nửa thế kỷ. Để có được một Vạn Lý Trường Thành, con người cũng chỉ cần đến nửa thiên niên kỷ. Nhưng để có được một vịnh Hạ Long, thiên nhiên cần đến nửa tỷ năm. Con người có thể khôi phục lại được một kinh đô, mộ đô thị cổ, nhưng không thể khôi phục lại được một cảnh quan tự nhiên bị tàn phá. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn di sản tự nhiên vịnh Hạ Long cho muôn đời sau.”
Hồng Vĩnh
Các tin cũ hơn:
Các tin mới hơn: