Đăng lúc 15:27:06 Ngày 20/08/2021 | Lượt xem 2012 | Cỡ chữ
Vịnh Hạ Long, không chỉ được biết đến các giá trị ngoại hạng toàn cầu về giá trị thẩm mỹ, địa chất- địa mạo đã được công nhận là Di sản thế giới, mà còn ẩn chứa những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, trong đó cộng đồng ngư dân vạn chài Hạ Long sinh sống theo hình thức thủy cư đã tạo ra những sắc thái văn hóa riêng biệt, độc đáo trên vịnh Hạ Long. Với xu thế hội nhập, các giá trị văn hóa làng chài trên vịnh Hạ Long đang có dấu hiệu mai một và mất dần đi phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, nét sinh hoạt động cồng tồn tại từ bao đời nay.
Từ năm 2014, để đảm bảo đời sống an sinh xã hội tốt hơn cho cộng đồng ngư dân, cũng như giảm thiểu những tác động nhất định đến cảnh quan, môi trường di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, ngư dân các làng chài trên vịnh Hạ Long đã được di dời lên bờ sinh sống. Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy hiệu quả nét văn hoá của cộng đồng ngư dân sinh sống trên vịnh Hạ Long, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã tiếp nhận 69 nhà bè gỗ của ngư dân các làng chài để chỉnh trang, sắp xếp đảm bảo mỹ quan đưa vào phục vụ hoạt động tham quan tại khu vực Cửa Vạn và khu vực Vung Viêng.
Một số nhà bè tại khu vực Vung Viêng
Năm 2016, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã lựa chọn và tiến hành sửa chữa nhỏ 20 nhà bè bảo tồn, 02 lớp học để triển khai các hoạt động phục dựng, tái hiện cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng ngư dân trên vịnh Hạ Long. Đến nay, cùng với Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn và hệ thống nhà bè nuôi trồng thủy sản kết hợp với phát triển du lịch bền vững tại khu vực Vung Viêng, các hoạt động bảo tồn, phục dựng nét văn hóa tiêu biểu trong cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng ngư dân tại khu vực Cửa Vạn đã tạo thành tổ hợp sản phẩm du lịch độc đáo, tái hiện sinh động không gian văn hóa làng chài xưa, mang đến trải nghiệm hấp dẫn, thú vị cho khách du lịch đến tham quan vịnh Hạ Long như: tham quan mô hình lớp học nổi; xem trình diễn hát giao duyên trên thực cảnh vịnh Hạ Long; tham quan kết hợp trải ngiệm chế tác, sửa chữa ngư cụ truyền thống (đan lờ, vá lưới, đánh lưỡi câu….).Các hoạt động này đã thực sự thu hút sự quan tâm của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế.
Hát giao duyên phục vụ khách du lịch tại Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn
Tuy nhiên, do điều kiện môi trường biển đảo, thời gian tiếp nhận đã lâu, một số nhà bè đã xuống cấp, không còn đảm bảo an toàn cho hoạt động tham quan, trải nghiệm của khách du lịch. Vì vậy, Ban Quản lý vịnh Hạ Long vẫn tiếp tục sửa chữa, nâng cấp cải tạo 25 nhà bè ở một số hạng mục như phần hệ thống phao nổi, hệ khung, cột, kèo, mái tôn, dầm, ván, sàn, vách…. nhằm duy trì nơi triển khai các hoạt động phục dựng, tái hiện cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng ngư dân trên vịnh Hạ Long đến với khách tham quan du lịch.
Mới đây, tại cuộc họp do sở Văn hóa Thể thao chủ trì với một số sở ban, ngành như: sở Du lịch, Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, sở Xây dựng và UBND thành phố Hạ Long đã đi đến thống nhất xin UBND tỉnh cấp kinh phí để sửa chữa các nhà bè nhằm bảo tồn và phát huy sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long, để phần nào tái hiện được nét sinh hoạt văn hóa trong cuộc sống thường nhật của ngư dân vạn chài trên vịnh Hạ Long đến với du khách.
Đ/c Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng QLVHL phát biểu tại cuộc họp ngày 18/8 với các sở ban ngành
về việc đề xuất xin chủ trương cấp kinh phí sửa chữa, bảo tồn nhà bè trên Vịnh
Việc lên kế hoạch sửa chữa các nhà bè không chỉ nhằm bảo tồn, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long, mà còn đảm bảo an toàn cho du khách trong hành trình tham quan, trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của cộng đồng ngư dân từng sinh sống nơi đây./.
Hoàng Hương
Các tin cũ hơn:
Các tin mới hơn: