Đăng lúc 15:59:14 Ngày 26/01/2024 | Lượt xem 650 | Cỡ chữ
Ngày 25/01/2024 tại Hà Nội, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, định hướng công tác năm 2024. Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ngành trung ương, các Tiểu ban chuyên môn của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Giáo dục, Văn hóa, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Thông tin Truyền thông; Công viên địa chất toàn cầu, Chương trình Con người và Sinh quyển, Ủy ban Hải Dương học liên chính phủ…); Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, đại diện Lãnh đạo UBND các địa phương và các cơ quan quản lý danh hiệu UNESCO. Đại diện Ban Quản lý vịnh Hạ Long có ông Phạm Đình Huỳnh - Phó Trưởng Ban tham dự Hội nghị. Ông Hà Kim Ngọc - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các Phó Chủ tịch Uỷ ban đồng chủ trì Hội nghị.
Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 với các đánh giá về tình hình thế giới và hoạt động hợp tác với tổ chức UNESCO trên tất cả các lĩnh vực như: giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hóa, thông tin truyền thông do Ban Thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trình bày đã khẳng định quan hệ hợp tác Việt Nam và UNESCO ngày càng được tăng cường; từ đó củng cố và đưa quan hệ Việt Nam với UNESCO trở thành hình mẫu về hợp tác chiều sâu, thực chất và hiệu quả, tranh thủ tri thức, nguồn lực của UNESCO cho phát triển bền vững đất nước. Trong năm 2023, Việt Nam được tín nhiệm giữ các vị trí quan trọng, thậm chí vai trò lãnh đạo trong các cơ quan then chốt của UNESCO, tiêu biểu như vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng Kỳ họp lần thứ 42, Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 và Công ước 2005, đặc biệt Việt Nam được tín nhiệm bầu vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu rất cao. Cũng trong năm 2023, thông qua việc hợp tác với UNESCO đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, nâng tầm giá trị văn hóa và lan tỏa trí tuệ, phẩm chất cao đẹp của người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Năm 2023, Việt Nam vui mừng khi vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được ghi danh là Di sản thế giới, hai thành phố Đà Lạt, Hội An tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, UNESCO ra Nghị quyết vinh danh cùng kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác… Ghi nhận này không chỉ thể hiện sự coi trọng, đánh giá cao của quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa dân tộc, tư tưởng, nhân sinh quan của người Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực thực hiện sứ mệnh chung của UNESCO, mà còn tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương và đất nước. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương ngày càng chú trọng quản lý hiệu quả các danh hiệu được UNESCO ghi danh; phát huy các giá trị di sản để phát triển bền vững, gắn mục tiêu phát triển với việc bảo tồn bản sắc văn hóa, môi trường, phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng nơi có di sản.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao các hoạt động của UBQG trong năm 2023, đặc biệt lãnh đạo các địa phương hoan nghênh sự hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình, hiệu quả của UBQG trong các công tác nâng cao nhận thức về các hoạt động hợp tác với UNESCO, thúc đẩy bảo tồn các danh hiệu, di sản của UNESCO theo hướng phát triển bền vững. Các chuyên gia, học giả và đại diện các Ban quản lý danh hiệu UNESCO tham gia góp ý nhằm tháo gỡ các khó khăn, hạn chế được đánh giá tại Hội nghị, như mô hình tổ chức bộ máy cơ quan quản lý danh hiệu UNESCO, việc thực hiện cam kết với tư cách thành viên của các Công ước quốc tế, kiện toàn bộ máy các Tiểu ban chuyên môn…Hội nghị cũng thống nhất cao về đề xuất phương hướng hoạt động của Uỷ ban Quốc gia năm 2024 với nhiều nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực do các Tiểu ban, Tiểu ban chuyên môn phụ trách; trình, vận động ghi danh các danh hiệu UNESCO, trong đó có hồ sơ đưa thành phố Uông Bí của tỉnh Quảng Ninh gia nhập Mạng lưới các thành phố học tâp toàn cầu; hồ sơ đề cử Di sản văn hoá thế giới Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơ Kiếp Bạc… Phát huy hơn nữa công tác phối hợp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai, đẩy mạnh hợp tác công tư nhằm phát huy tối đa nguồn lực xã hội đóng góp triển khai các chương trình hợp tác với UNESCO.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đề nghị UBQG tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Ban Thư ký UNESCO, Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam và khu vực và các cơ quan chuyên môn của UNESCO, tiếp tục chủ động phát huy vai trò thành viên tích cực tại tất cả 5 cơ chế quan trọng của UNESCO, tại hội đồng chấp hành UNESCO, Ủy ban liên chính phủ công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Ủy ban liên chính phủ công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, ủy ban di sản thế giới cũng như hội đồng tư vấn về công viên địa chất toàn cầu; cần có các mô hình tổ chức phù hợp với tình hình địa phương, xây dựng mạng lưới câu lạc bộ di sản, mạng lưới di sản của UNESCO; đảm bảo thực hiện các khuyến nghị của UNESCO về bảo tồn di sản, danh hiệu; huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các lĩnh vực của UNESCO….Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng nhấn mạnh UBQG cần phát huy tốt vai trò điều phối, tư vấn, hỗ trợ trong các hoạt động của các tiểu ban, tiểu ban chuyên môn và các địa phương trong khuôn khổ hợp tác với UNESCO để triển khai tốt Bản Hợp tác ghi nhớ giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021 - 2025 và chuẩn bị cho việc tiếp tục ký kết hợp tác cho giai đoạn tiếp theo 2026 - 2030.
Nguyễn Thu Huyền
Các tin cũ hơn:
Các tin mới hơn: