Giá trị văn hóa lịch sử động Mê Cung
Vịnh Hạ Long, ngoài vẻ đẹp nên thơ hùng vĩ còn mang trong mình giá trị lịch sử văn hoá lâu đời. Giá trị đó được thể hiện một phần khá sâu sắc trong những hang động trên vịnh Hạ Long. Một hang động nổi bật không thể không nhắc đến với nền văn hoá Soi Nhụ và nền văn hoá Hạ Long của người tiền sử thời xưa đó là Động Mê Cung.
Động nằm trên dãy đảo Lờm Bò, thuộc hành trình 2 trên vịnh Hạ Long. Ngay trước cửa động ai ai cũng phải bất ngờ bởi lớp trầm tích vỏ ốc nước ngọt hoá thạch. Căn cứ vào lớp trầm tích ốc này, các nhà khoa học đã khẳng định rằng người nguyên thủy đã cư trú ở đây từ khi Hạ Long còn là môi trường lục địa. Những cư dân tiền sử đã biết tìm hang động để tránh mưa gió và thú dữ, phương thức sinh sống là thu lượm hoa quả, ốc, hến tại những con sông suối nước ngọt.Họ đã biết sử dụng những hòn đá, mảnh tước thô sơ để làm công cụ lao động như chặt, ghè, nghiền thức ăn. Một số vỏ ốc còn bị cháy xém, điều đó chứng tỏ họ đã biết dùng lửa để nướng thức ăn.Có thể nói đây là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của người tiền sử giai đoạn này, từ ăn sống họ đã tìm ra lửa để phục vụ cho ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.
Không chỉ ở cửa hang mà bên trong động còn có những mảnh vỏ từ các loài nhuyễn thể nước ngọt có vỏ như vỏ trai, hến, sò…xuất hiện ngay nền hang.
Tham quan vào trong hang động, ở ngăn thứ ba ngoài vẻ đẹp hấp dẫn của thạch nhũ, du khách còn được chiêm ngưỡng một công cụ đá của người tiền sử còn khá nguyên vẹn trên vách hang. Công cụ này được nhóm cán bộ chuyên môn của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long phát hiện ra trong một chuyến đi khảo sát năm 2008. Nó được mài nhẵn, rộng 4cm, dài chừng 30cm (chưa kể phần mũi đã bị nhũ đá bao phủ), dày khoảng 1,5 - 2cm, có chuôi có thể cầm tay hoặc tra cán. Theo nhận định ban đầu của PGS.TS.Trình Năng Chung, chuyên gia nghiên cứu về Văn hoá thời đại Đá – Viện Khảo cổ học Việt Nam, đây có thể là một mũi lao đá của người tiền sử, có công dụng để tự vệ hoặc săn bắt thú.Theo ông đến thời điểm này đây là mũi lao đá dài nhất được phát hiện ở Việt Nam.Có thể nói đây chính là một trong những hiện vật vô giá tồn tại nơi này và theo các nhà khoa học nghiên cứu thì nó thuộc về thời kỳ Văn hoá Hạ Long.
Tuy nhiên trong chuyến khảo sát động Mê Cung vào tháng 5 năm 2016, PGS.TS Trình Năng Chung, với những nghiên cứu chuyên sâu, sự liên kết với các nền văn hóa thời tiền sử, ông nhận định chiếc lao tìm thấy ở động Mê Cung rất có thể là vật tùy táng được chôn theo mộ của cư dân văn hóa Hạ Long.
Không chỉ dừng lại ở đó,trước đây vào năm 1996 các nhà khoa học còn phát hiện ra một bộ xương thú bán hoá thạch tại ngăn thứ ba, hầu hết đã bị vỡ vụn chỉ còn lại Bốn xương ống.Bộ xương được xác định có niên đại cùng thời với trầm tích vỏ ốc suối. Có giả thiết cho rằng đây có thể là linh vật dùng trong nghi lễ cũng tế của người tiền sử.

Giá trị Văn hoá lịch sử càng tôn thêm vẻ đẹp ngoại hạng và trường tồn của khu di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Xin mời quý khách hãy đến và trải nghiệm nhé!
Đỗ Ngọc Quyên