Ban Quản lý vịnh Hạ Long tổ chức Hội thảo Nhận diện, đánh giá những giá trị văn hoá tiêu biểu, độc đáo trên vịnh Hạ Long

Sáng ngày 30/10,  tại thành phố Hạ Long, Ban Quản lý vịnh Hạ Long tổ chức Hội thảo Nhận diện, đánh giá những giá trị văn hoá tiêu biểu, độc đáo trên vịnh Hạ Long.

Quang cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước như GS.TS Nguyễn Văn Kim, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (GS.TS Nguyễn Văn Kim hiện đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia); GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia VN; GS. TS Lâm Thị Mỹ Dung, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Trình Năng Chung, Hội Khảo cổ học Việt Nam; PGS.TS Trần Tân Văn, Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.; TS. Hà Hữu Nga, Chuyên gia khảo cổ, nghiên cứu Văn hóa. Ông Christian Manhart - Chuyên gia tư vấn quốc tế về văn hoá, lịch sử nghệ thuật và khảo cổ học; nguyên Trưởng Đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam. 
Bên cạnh còn có các đại biểu đại diện cho các đơn vị phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy Di sản thế giới vịnh Hạ Long: Trưởng Ban Văn hoá - Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Cát Bà - thành phố Hải Phòng; Phòng Văn hoá Xã hội, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND thành phố Hạ Long, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long; Trường Đại học Hạ Long…
GS.TS Nguyễn Văn Kim, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long đồng chủ trì Hội thảo.

GS.TS Nguyễn Văn Kim, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long phát biểu tại Hội thảo

Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994 bởi giá trị thẩm mỹ, năm 2000 vịnh Hạ Long tiếp tục được vinh danh ở giá trị Địa chất địa mạo. Bên cạnh các giá trị đã được tổ chức UNESCO vinh danh, vịnh Hạ Long còn giá trị Đa dạng sinh học và Văn hoá lịch sử. Là Di sản thiên nhiên nhiên, nhưng vịnh Hạ Long còn có chiều sâu về giá trị văn hoá lịch sử. Tại hội thảo, các chuyên gia đều khẳng định giá trị văn hóa trên vịnh Hạ Long, với những đặc trưng tiêu biểu, có chiều sâu và cơ tầng phong phú, với nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu; là minh chứng sinh động cho truyền thống khai thác biển, tư duy hướng biển, phát triển kinh tế biển. Các giá trị đó đã và đang góp phần làm gia tăng giá trị đặc sắc, chiều sâu, tính toàn vẹn, xác thực của Di sản thế giới vịnh Hạ Long.

GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung tại Hội thảo

Ông Christian Manhart - Nguyên trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, Chuyên gia tư vấn quốc tế về văn hoá, lịch sử nghệ thuật và khảo cổ học phát biểu tại Hội thảo

 

Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long trình bày tham luận tại Hội thảo

Hội thảo đã nhận được 18 tham luận và ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học trong việc làm rõ giá trị văn hoá của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý vịnh Hạ Long tiếp tục tham mưu cho Tỉnh Quảng Ninh triển khai các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát huy hiệu quả, bền vững tài nguyên di sản văn hoá tiêu biểu, độc đáo trên vịnh Hạ Long gắn trực tiếp với phát triển du lịch và kinh tế di sản địa phương. Đồng thời, tiếp thu, bổ sung thêm luận cứ khoa học để nghiên cứu, nhận diện, đánh giá và tham mưu đề xuất giải pháp bảo tồn giá trị văn hóa vịnh Hạ Long ở cấp độ quốc tế./.

 Hải Hà