Vịnh Hạ Long: Kết nối để phát triển

Từ khi trở thành Di sản thiên nhiên thế giới, Vịnh Hạ Long đứng trước nhiều thách thức cũng như cơ hội, trong đó có cơ hội kết nối trong nước và quốc tế để ngày càng phát triển.

Độc đáo di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam

Bình minh nhìn từ đảo Cát Bà.

Ngày 16/9/2023, UNESCO đã thông qua hồ sơ đề cử quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) ghi danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Sự kiện này đã đưa Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà trở thành di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.

Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh và Quần đảo Cát Bà thuộc thành phố Hải Phòng sở hữu nhiều danh hiệu quốc gia, quốc tế quan trọng như: Di tích quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long; Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà; Vườn quốc gia Cát Bà; vịnh Lan Hạ - một trong những vịnh đẹp nhất thế giới; Khu bảo tồn biển; Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà; Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (năm 1994 và 2000).

Hệ sinh thái "tùng - áng" (hồ nước mặn trên núi) tại Vịnh Hạ Long.

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thế giới bởi nơi đây chứa đựng các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm các đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với các đặc điểm karst liên quan như các mái vòm và hang động. Cảnh trí ngoạn mục không bị tác động của các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh nhọn núi đá vôi với các vách dựng đứng nhô lên trên biển.

Với các khu vực tự nhiên có diện tích vùng lõi là 65.650ha, vùng đệm có diện tích 34.140ha, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được mệnh danh là “hòn ngọc của vịnh Bắc Bộ”, bản giao hưởng của núi rừng hùng vĩ và biển đảo bao la.

Di sản thiên nhiên liên tỉnh này có 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ bao gồm 775 đảo đá vôi thuộc vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc quần đảo Cát Bà, được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích.

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được xem là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu, nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển của trái đất với minh chứng là sự hiện diện của rừng nguyên sinh, vịnh và những hòn đảo.

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thế giới bởi nơi đây chứa đựng các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm các đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với các đặc điểm karst liên quan như các mái vòm và hang động. Cảnh trí ngoạn mục không bị tác động của các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh nhọn núi đá vôi với các vách dựng đứng nhô lên trên biển.


UNESCO


Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là một khu vực tiêu biểu, có mức độ đa dạng cao của châu Á khi cùng sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển bao gồm: hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh, hệ sinh thái hang động, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái bãi triều, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái đáy mềm, hệ sinh thái hồ nước mặn.

Bè cá trên Quần đảo Cát Bà.

Sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000 ha cùng các hệ sinh thái đa dạng, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là điểm cư ngụ của 4.910 loài động thực vật trên cạn và dưới biển, trong đó có tới 198 loài thuộc Danh mục Đỏ IUCN, 51 loài đặc hữu. Diện tích rừng nguyên sinh khoảng 1.045 ha trên đảo Cát Bà là một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của di sản.

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà sở hữu 138 hồ nước mặn được hình thành từ các hố sụt, phễu karst và thung lũng kín, chiếm khoảng 1/3 tổng số hồ nước mặn trên thế giới.

Đặc biệt, voọc Cát Bà là loài quý hiếm, nằm trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và được ghi vào Sách Đỏ thế giới. Đến nay, còn khoảng 60-70 cá thể phân bố duy nhất ở Cát Bà, không còn nơi nào khác trên thế giới xuất hiện loài này. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ở đây có nhiều loại thực vật đặc hữu, chỉ thích nghi sống ở các đảo đá vôi, mà không nơi nào trên thế giới có được.

Với diện tích hơn 17.000 ha cùng các hệ sinh thái đa dạng, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là điểm cư ngụ của 4.910 loài động thực vật trên cạn và dưới biển, trong đó có tới 198 loài thuộc Danh mục Đỏ IUCN, 51 loài đặc hữu.

Hơn thế nữa, nằm rải rác trong khu vực là 138 hồ nước mặn được hình thành từ các hố sụt, phễu karst và thung lũng kín. Các hồ nước này, chiếm khoảng 1/3 tổng số hồ nước mặn trên thế giới, là nơi lưu giữ những loài cổ xưa, quý hiếm, có giá trị lớn cho việc bảo tồn và nghiên cứu khoa học, vừa là môi trường thuận lợi cho các loài sinh vật tiến hóa.

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà có 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ bao gồm 775 đảo đá vôi thuộc vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc quần đảo Cát Bà, sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển.

Việc mở rộng Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long bao gồm cả quần đảo Cát Bà sẽ tăng thêm giá trị vốn có của di sản, được minh chứng qua sự hài hòa về cảnh quan, địa chất, địa mạo, hệ sinh thái và đa dạng về các loài động thực vật. Các giá trị nổi bật toàn cầu của khu vực được xác định gồm các kiến tạo vật lý và sinh học, các kiến tạo địa chất, địa lý và là môi trường sống của các loài động, thực vật bị đe dọa theo quan điểm thẩm mỹ, khoa học và bảo tồn.

Liên kết để cùng bảo tồn và phát triển

Việc Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trở thành di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam đặt cả hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng trước cơ hội liên kết, hợp tác để cùng bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho rằng, xét về yếu tố tự nhiên, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là một quần thể không thể tách rời với những giá trị tương đồng về cảnh quan thiên nhiên và địa chất, địa mạo. Do đó việc mở rộng ranh giới Di sản thế giới Vịnh Hạ Long gồm cả quần đảo Cát Bà giúp bổ sung các giá trị, khẳng định thêm tính toàn vẹn của Di sản Vịnh Hạ Long đã được UNESCO ghi danh; đồng thời giúp tăng cường các giải pháp quản lý hệ sinh thái biển đặc trưng của Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà.

Nói về việc liên kết bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long với một số điểm như quần đảo Cát Bà, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Huyền Anh cho biết, trong năm 2023, UNESCO đã công nhận di sản Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà trở thành di sản thế giới, với nhiều nét tương đồng mới được công nhận và mở rộng. Việc liên kết với nhau để bảo vệ di sản đã được nêu rõ trong các quy định của pháp luật như Nghị định 109, trong đó quy định rõ cách quản lý di sản nằm ở địa giới hành chính hai tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh cũng như Thành phố Hải Phòng cũng có sự liên kết để ban hành những văn bản quy phạm pháp luật cùng quản lý.

Quảng Ninh và Hải Phòng là hai địa phương giáp ranh có nhiều điểm tương đồng. Trước xu thế liên kết vùng, hợp tác cùng phát triển, hai bên đã cùng nhau tháo gỡ những bất cập, khó khăn liên quan trong việc phát triển du lịch giữa hai địa phương - từ liên kết trong quản lý nhà nước, phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến đến phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường kinh doanh.

Hai địa phương cũng phối hợp xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước với hoạt động của phương tiện vận chuyển hành khách, khách du lịch trên vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ; hoàn thiện các phương án để thống nhất thời gian vận chuyển khách, tăng thời gian tham quan, lưu trú và bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường biển giữa Hạ Long và Cát Bà.

Kết nối trong tỉnh, trong nước và quốc tế

Trong chính sách phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh, Vịnh Hạ Long luôn là trung tâm của những kết nối, như trong Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô, hay phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng tại Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) nhằm kết nối không gian du lịch di sản, cũng như trong nhiều chương trình du lịch khác.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, bà Nguyễn Huyền Anh cho biết, theo đánh giá của các nhà khoa học, Vịnh Bái Tử Long rất đặc biệt, bên cạnh nét tương đồng như vùng lõi Hạ Long còn có những nét đặc sắc khác. Trên Vịnh ngoài hệ thống cảnh quan, hệ thống địa chất địa mạo, hang động thì còn nhiều đảo đất có sự lưu trú lâu đời của ngư dân, tạo nên văn hóa ngư dân trên vùng đất Vân Đồn-Cô Tô. Ở Vùng Bái Tử Long, Cô Tô có nhiều bãi biển đẹp, bên cạnh hệ thống cảnh quan, văn hóa lâu đời, có thương cảng Vân Đồn, đình Quan Lạn, lễ hội truyền thống, còn có nhiều giá trị về sinh thái, thí dụ như vườn Quốc gia ASEAN Bái Tử Long.

Ngoài ra, theo Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long Vũ Kiên Cường, Vịnh còn liên kết, kết nối với các địa phương, tổ chức quản lý di sản trong nước và quốc tế để hợp tác, học hỏi kinh nghiệm phát triển.

“Chúng tôi có những kết nối ban đầu là bằng các trang web, sau là với các tổ chức của UNESCO, như CLB các vịnh đẹp nhất thế giới, tham gia vào các diễn đàn do các tổ chức quốc tế, UNESCO tổ chức, tham gia các hội chợ quảng bá” – ông Vũ Kiên Cường cho biết.
 

Về phía trong nước, Vịnh Hạ Long là một thành viên trong Câu lạc bộ Di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam. Tháng 12, Câu lạc bộ sẽ có hội nghị tổng kết tại Quảng Ninh. Câu lạc bộ gồm nhiều di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, như Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng, Quần thể danh thắng Tràng An…

“Chúng tôi mong muốn có được sự kết nối đối với di sản toàn cầu, đó là ý tưởng hay, nếu có được điều đó thì rất tuyệt vời trong việc chia sẻ kinh nghiệm và các giá trị trong nước và quốc tế” – ông Vũ Kiên Cường nói.

Liên kết và hợp tác để phát triển là xu thế tất yếu hiện nay. Vịnh Hạ Long đang đứng trước những thử thách và cả những cơ hội mới để vừa thu thập được những kinh nghiệm quý giá trong bảo tồn, bảo vệ di sản, vừa có thêm những nguồn lực mới trong nhiều mặt để khai thác, phát huy giá trị của di sản.

Theo báo nhân dân