Nguồn gốc tên gọi
Hạ Long có nghĩa là “Rồng xuống”. Từ trước thế kỷ XIX, tên vịnh Hạ Long chưa được ghi chép trong thư tịch cổ của Việt Nam, chủ yếu được biết đến với tên gọi Giao Châu, Lục Thủy, An Bang, An Quảng, Hải Đông, Hoa Phong, Nghiêu Phong …. Đến cuối thế kỷ XIX, tên vịnh Hạ Long mới xuất hiện trên bản đồ hàng hải của Pháp vẽ về vịnh Bắc Bộ và trên một số bài báo bằng chữ tiếng Pháp, chữ tiếng Việt.
Trên tờ “Tin tức Hải Phòng” xuất bản bằng tiếng Pháp đã đưa tin: “Rồng xuất hiện trên vịnh Hạ Long”. Câu chuyện được tóm tắt như sau: Năm 1898, viên thiếu úy La-gơ-rê-din, thuyền trưởng tàu A-va-lăng-sơ và rất nhiều thủy thủ đã gặp một đôi rắn biển khổng lồ trên vịnh Hạ Long. Người Châu Âu liên tưởng con vật này giống con Rồng trong trí tưởng tượng của người Châu Á. Chính vì sự xuất hiện con vật lạ giống hình con Rồng mà vùng biển này được mang tên là vịnh Hạ Long (theo sách Văn hóa nghệ thuật Quảng Ninh, từ một góc nhìn, Quảng Ninh, 2002)
“ Hạ Long” còn được gắn với truyền thuyết nguồn gốc của dân tộc Việt là “Con Rồng, cháu Tiên”, gắn với truyền thuyết đàn rồng xuống giúp người Việt đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. Chuyện được kể rằng: “Ngày xưa, khi người Việt mới lập nước, trong một lần nước Việt bị giặc ngoại xâm, trời sai Rồng mẹ mang theo một đàn Rồng con xuống giúp người Việt đánh giặc. Khi thuyền giặc từ biển cả ào ạt tấn công vào bờ thì đàn Rồng cũng hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc, những châu ngọc ấy thoắt biến thành muôn vàn đảo đá sừng sững, liên kết lại như bức tường thành vững chãi, bất ngờ chặn bước tiến quân giặc. Thuyền giặc đang lao nhanh bị chặn lại đột ngột đâm vào các đảo đá, đâm vào nhau vỡ tan tành. Sau khi giặc tan, Rồng mẹ và Rồng con không trở về trời, mà ở lại hạ giới - nơi vừa diễn ra trận chiến đấu. Chỗ Rồng mẹ xuống là Hạ Long, nơi Rồng con xuống là Bái Tử Long. Đuôi của đàn Rồng quẫy lên trắng xóa là Long Vĩ (tức bán đảo Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh ngày nay)”.