Bỏ túi kinh nghiệm du lịch để khám phá trọn vẹn Vịnh Hạ Long
Với hàng nghìn hòn đảo lớn, nhỏ nhấp nhô trên mặt nước màu ngọc bích, cùng hệ thống hang động huyền bí và nhiều bãi biển gìn giữ được vẻ đẹp từ thuở nguyên sơ, Vịnh Hạ Long - một trong những kỳ quan thiên nhiên hút khách nhất thế giới là điểm đến không thể bỏ lỡ với những ai yêu thích vẻ đẹp hùng vĩ và khám phá những điều kỳ diệu của tạo hóa.
Vịnh Hạ Long, thuộc bờ tây của Vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển đảo của thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Diện tích vịnh khoảng 1.553 km2, bao gồm 1.969 hòn đảo (trong đó, 980 hòn đảo đã có tên). Nơi đây sở hữu làn nước trong xanh, mát lành, cảnh quan thiên nhiên phong phú, thu hút hàng triệu khách du lịch ghé thăm mỗi năm.
Không chỉ là điểm tham quan thú vị, Vịnh Hạ Long còn cung cấp nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Bạn có thể tham gia các tour thưởng ngoạn cảnh sắc trên du thuyền, lựa chọn chèo thuyền kayak để len lỏi qua từng hang động kỳ bí, hay thử thách bản thân với các hoạt động leo núi, lặn biển…
Thời điểm tham quan lý tưởng
Nằm trên khu vực miền bắc Việt Nam, khí hậu Hạ Long có đủ 4 mùa rõ rệt. Từ tháng 4-6 tiết trời ấm áp không mưa. Giai đoạn từ tháng 6-8 thời tiết nắng nóng, có thể xảy ra mưa bão. Bước sang tháng 9, khí hậu Hạ Long mát mẻ và dần trở lạnh từ tháng 12 đến hết tháng 3 năm sau.
Quãng thời gian cuối xuân-đầu hạ được xem là thời điểm lý tưởng nhất để tham quan Vịnh Hạ Long. Bởi lúc này, bầu trời tỏa nắng ấm, biển êm, sóng dịu, thích hợp để khách du lịch trải nghiệm các hoạt động ngoài trời như: tắm biển, chèo thuyền kayak, leo núi…
Bước qua mùa có nguy cơ xảy ra mưa bão ở Hạ Long (tháng 7-8), đến đầu thu, thời tiết nơi đây mát mẻ và dễ chịu trở lại. Nhiều người cho rằng, đây là thời điểm đẹp nhất trong năm để ngắm hoàng hôn trên Vịnh Hạ Long.
Sang mùa đông, Hạ Long dễ có mưa phùn và sương mù. Giữa thời tiết se lạnh, cảnh vật trong vịnh khoác lên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo. Đây là cơ hội hiếm có cho những ai thích ngắm cảnh và thả mình trên con thuyền lững lờ trôi theo dòng nước để khám phá các hang động bí ẩn.
Tùy thuộc vào sở thích và mục đích của chuyến đi, bạn có thể đến Hạ Long vào bất cứ thời điểm nào bạn muốn. Nếu thích đa trải nghiệm cho một điểm đến, bạn có thể trở lại nơi đây vào mỗi mùa. Tắm nắng vào mùa xuân, bơi lội vào mùa hè, ngắm cảnh vào mùa thu và thử cái lạnh giữa vùng vịnh khi đông tới. Mùa du lịch cao điểm của Hạ Long bắt đầu từ tháng 6-8. Thành phố thường đông đúc vào các dịp lễ và cuối tuần.
Di chuyển thế nào tới Hạ Long cho thuận tiện?
Nếu bắt đầu hành trình từ Thủ đô Hà Nội, khách du lịch có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện. Với nhiều người lựa chọn tự lái ô-tô, xe máy đến Hạ Long, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Hải Phòng-Hạ Long là được xem là cung đường đẹp.
Giá thuê cũng dao động từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Nếu muốn trải nghiệm cảm giác thức dậy giữa biển khơi mênh mông, bạn có thể lựa chọn tá túc trên du thuyền để nghỉ dưỡng.
Du khách có thể đặt phòng thông qua nhiều kênh: các website (như: Agoda, Booking, iVivu...) hoặc trực tiếp giao dịch với khách sạn, hay qua các đại lý dịch vụ du lịch.
Những điểm đến không thể bỏ qua khi tới với Hạ Long
Khám phá vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo của Vịnh Hạ Long
Vẻ đẹp Vịnh Hạ Long được ví như một bức tranh thủy mặc khổng lồ. Trong bức tranh ấy, núi non, biển cả và bầu trời hòa quyện một cách sống động và màu sắc. Hoàng hôn buông xuống, ánh nắng trời nhuộm đỏ cả một vùng trời, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ với đa dạng hình dáng, kích thước nhấp nhô trên mặt nước tạo nên khung cảnh hùng vĩ và nên thơ.
Xuất hiện như những tòa lâu đài nguy nga trong truyện cổ tích, nhiều đảo đá vôi trên vịnh khiến du khách choáng ngợp trước kích thước, hình dáng và độ tinh xảo. Ít ai biết rằng, những hòn đảo kia đã được chạm khắc thật tinh xảo dưới “bài tay” khéo léo của thời gian, mưa gió và sóng biển. Mỗi hòn đảo là một tác phẩm nghệ thuật thủ công độc đáo của tạo hóa, chất chứa những câu chuyện về sự hình thành và phát triển của Vịnh Hạ Long.
Để được "sống trong lòng di sản", không ít người lựa chọn di chuyển quanh vịnh bằng du thuyền. Đa phần, các hành trình này đều đi qua những điểm khám phá nổi tiếng như: hòn Gà Chọi, hòn Đỉnh Hương, hang Sửng Sốt, động Thiên Cung, đảo Titop...
Bạn có thể lựa chọn nghỉ dưỡng trên du thuyền, tận hưởng không gian yên tĩnh và trong lành khi du ngoạn giữa vùng nước mênh mông của vùng vịnh kín. Trên những “khách sạn nổi” này, khách hàng sẽ được phục vụ những bữa ăn chất lượng, cùng nhiều hoạt động vui chơi, giải trí.
Nếu muốn thu tất thảy hình ảnh Vịnh Hạ Long vào tầm mắt, du khách nên thử dịch vụ bay trực thăng, thủy phi cơ. Trải nghiệm này hứa hẹn sẽ mang lại cho bạn góc nhìn mới mẻ về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp nơi đây. Với giá vé giao động từ 1.920.000-2.200.000 đồng dành cho mỗi người, du khách sẽ có 10 phút để ngắm nhìn toàn vịnh từ trên cao.
Thăm làng chài truyền thống trên vịnh
Nép mình dưới chân núi đá, những ngôi nhà đơn sơ, nổi trên mặt nước là một phần không thể không nhắc đến khi ghé Vịnh Hạ Long. Xưa nay, cuộc sống của nhiều ngư dân trên làng chài Cửa Vạn vẫn gắn liền với biển.
Như những làng chài truyền thống khác ở Vịnh Hạ Long, làng chài Cửa Vạn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng biển. Đến thăm làng chài, du khách sẽ được nhìn thấy cuộc sống giản dị, mộc mạc của người dân bản địa, được tìm hiểu về phong tục tập quán đặc sắc của cư dân miền biển. Từ đó, hòa mình vào cuộc sống của ngư dân và trải nghiệm những hoạt động thú vị, độc đáo.
Du khách có thể ghé thăm Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn - nơi trưng bày các hiện vật, hình ảnh về lịch sử, văn hóa của làng chài. Đồng thời, tham gia các hoạt động như: xem biểu diễn múa rối nước, học cách làm lưới đánh cá, chèo thuyền kayak...
Chinh phục núi Bài Thơ
Từ trên đỉnh núi Bài Thơ, du khách có thể ngắm toàn cảnh vịnh Hạ Long tráng lệ, với hàng nghìn hòn đảo nhấp nhô trên nền xanh biếc. Ngọn núi đá vôi sừng sững giữa lòng thành phố Hạ Long này là điểm đến không thể bỏ lỡ với những ai thích khám phá và chinh phục thiên nhiên.
Với độ cao 200 mét so với mực nước biển, hành trình chinh phục núi Bài Thơ không chỉ là thử thách về thể lực mà còn là cơ hội để bạn khám phá những điều kỳ thú của thiên nhiên. Nhìn từ nhiều góc độ, có lúc, người ta nhìn thấy núi có dáng như hổ phục, có khi, núi mang dáng sư tử vờn mồi hoặc con rồng sắp bay lên.
Ban đầu, núi có tên gọi là Truyền Đăng, tức rọi đèn, để chỉ vọng gác trọng yếu của cửa ải Đông Bắc từ hàng nghìn năm trước. Đây là nơi soi đường dẫn lối cho thuyền bè trên vịnh. Từ năm 1468, khi vua Lê Thánh Tông đưa quân đi tuần ở vùng biển Đông Bắc, có dừng thuyền ở chân núi Truyền Đăng để uống rượu ngâm thơ. Xúc động trước cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của thiên nhiên, ông đã cho khắc một bài thơ lên vách đá, thường được gọi là “Ngự chế Thiên Nam động chủ đề”.
Từ đó, núi Truyền Đăng được gọi là Bài Thơ, dần dần trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh. Đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ cảm nhận được không gian bao la của đất trời, sự hùng vĩ và sức sống mãnh liệt của thiên nhiên. Thời gian lý tưởng nhất để chinh phục núi Bài Thơ là từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Trong khoảng thời gian này, thời tiết Hạ Long khá ổn định, ít mưa, trời trong xanh, nắng đẹp, thuận lợi cho việc leo núi và ngắm cảnh.
Ghé chợ đêm Hạ Long và thăm Bảo tàng Hạ Long
Nằm trên đường Hoàng Quốc Việt, phường Hùng Thắng, chợ đêm Hạ Long mở cửa từ 17-23 giờ mỗi tối thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ Nhật hằng tuần. Trước đây, khu vực này chỉ là khu chợ cóc với vài hàng quán tạm bợ. Năm 2015, chợ được khai trương và nhanh chóng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn bậc nhất của thành phố.
Đến chợ đêm Hạ Long, bạn sẽ cảm nhận được sự nhộn nhịp của hoạt động buôn bán. Với tổng diện tích quy hoạch đến 5.000m2, chợ có khoảng hơn 300 gian hàng kinh doanh nhiều mặt hàng, từ giày dép, áo quần, đồ lưu niệm đến hàng ăn. Vì chợ khá đông đúc, bạn nên mặc quần áo gọn gàng, thoải mái để thuận tiện cho việc di chuyển và chú ý bảo quản tư trang cá nhân.
Nằm ven đường bao biển khu vực bờ đông thành phố, Bảo tàng-thư viện Quảng Ninh được biết đến là điểm nhấn của văn hóa vùng vịnh, chứa đựng hình ảnh một Hạ Long thu nhỏ. Đây là khối kiến trúc, công trình văn hóa đồ sộ với kinh phí đầu tư hơn 900 tỷ đồng.
Ngay khi khánh thành, nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách ghé thăm. Nhìn từ bên ngoài, phần vỏ kính của khối nhà có màu đen tuyền, tựa như tấm gương khổng lồ phản chiếu hình ảnh biển trời Hạ Long. Ý tưởng độc đáo này đã chinh phục không ít khách du lịch ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Đến với Bảo tàng-thư viện Quảng Ninh, du khách sẽ hiểu hơn về truyền thống, đời sống, lịch sử của thiên nhiên và con người Quảng Ninh trong suốt tiến trình xây dựng và phát triển. Địa điểm này mở cửa đón khách tham quan từ 9-11 giờ 30 phút sáng và 14-18 chiều các ngày thứ Ba đến thứ Bảy hằng tuần.
Bên cạnh các điểm đến kể trên, bạn có thể ghé Công viên Tuần Châu, Công viên Sun World… để thử sức với những trò chơi mạo hiểm, hay đến Bảo tàng 3D Funny Art để check-in cùng những bức tranh sống động.
VÀ ĐÂY LÀ NHỮNG MÓN ĂN BẠN PHẢI THỬ KHI TỚI THÀNH PHỐ DI SẢN
Hạ Long không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của vịnh biển, nơi dây còn níu chân du khách bởi những món đặc sản đậm đà hương vị biển cả. Những món ngon nổi tiếng ở địa phương phần lớn được chế biến từ các loại hải sản tươi sống như: cù kỳ, bề bề, sá sùng, ngán, tôm, cua, cá, mực...
Bánh cuốn chả mực
Bánh cuốn chả mực là đặc sản trứ danh của Hạ Long. Chả mực vốn đã ngon nức tiếng, nhưng khi kết hợp cùng với bánh cuốn thì hương vị món ăn được nhân lên bội lần. Phần bánh được tráng dẻo thơm, ăn kèm vài lát chả mực chiên giòn, chấm cùng với nước mắm chua ngọt, tạo nên hương vị hài hòa, ngon khó cưỡng.
Nhiều du thuyền đã đưa món bánh cuốn chả mực ngon nức tiếng này vào thực đơn của nhà hàng để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
Ở Hạ Long, thực khách có thể tìm ăn bánh cuốn chả mực vào bất kỳ thời gian nào trong ngày. Có thể kể đến một số thương hiệu bán món ăn này nổi tiếng như: quán Gốc Bàng, quán bà Ngân, bà Yến, bà Huệ... Giá một suất bánh cuốn chả mực giao động từ 30.000-55.000 đồng.
Bún bề bề
Bề bề, hay còn gọi là tôm tít, là loại hải sản đặc trưng của vùng biển Hạ Long. Thịt bề bề ngọt dai và thơm. Từ những con bề bề tươi được đánh bắt trực tiếp từ biển, qua bàn tay chế biến của người dân địa phương, món bún bề bề ra đời không chỉ ngon mà còn giàu giá trị dinh dưỡng.
Để có nấu được một tô bún bề bề chuẩn bị, đầu bếp phải lựa chọn những con bề bề tươi sống, chắc thịt, sau đó chế biến kỹ lưỡng để giữ trọn vẹn hương vị biển cả.
Nước dùng là thành phần quan trọng quyết định sự thành công của món ăn. Ninh từ xương heo, xương gà và các loại hải sản, nước bún đậm đà, thanh thanh, kết hợp với vị ngọt của bề bề, thêm chút cay nồng của ớt, chua dịu của chanh… tất cả đều hòa quyện trong cùng một món ăn, khiến thực khách chẳng thể chối từ việc thưởng thức.
Tùy theo sức ăn và phần gọi thêm của mỗi người, một tô bún bề bề ở Quảng Ninh có giá giao động từ 30.000-50.000 đồng.
Bún cù kỳ
Với nhiều khách du lịch, thưởng thức bún cù kỳ bên bờ Vịnh Hạ Long là trải nghiệm đáng nhớ. Ngồi trong quán ăn nhỏ ven biển, ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ của vịnh và thưởng thức bát bún cù kỳ nóng hổi, thơm ngon sẽ mang đến cho bạn nhiều kỷ niệm thú vị.
Cù kỳ là loài cua đá đặc trưng của vùng biển Quảng Ninh, có hình dáng giống con ghẹ nhưng nhỏ hơn và vỏ cứng hơn. Tô bún cù kỳ hấp dẫn thực khách ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi màu sắc bắt mắt: đỏ au của gạch cua, trắng nõn của bún, xanh mướt của rau thơm, thêm chút hành phi vàng ươm điểm xuyết trên món ăn. Hương thơm của bún quyện với mùi thơm đặc trưng của hải sản, kích thích vị giác thực khách.
Một phần bún cù kỳ có giá giao động từ 40.000-55.000 đồng, tùy phần thịt càng mà khách gọi. Ở Hạ Long, chỉ có một số địa chỉ phục vụ món ăn độc đáo này là nhà hàng Thành Lộc ở phường Đại Yên, quán bún cù kỳ ở khu Sân Vườn, Cái Dăm, Bãi Cháy…
Sam biển
Loài sam thường sinh sống ở vùng biển Quảng Ninh, đặc biệt là khu vực Quảng Yên. Điều làm nên sức hấp dẫn của các món ăn chế biến từ sam biển là hương vị thơm ngon, khác biệt hoàn toàn so với nhiều loại hải sản khác. Thịt sam biển có vị ngọt đậm đà, dai giòn, béo ngậy và không hề tanh.
Từ sam biển, người dân Hạ Long đã khéo léo chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: tiết canh sam, sam xào sả ớt, sam xào miến… Mùa sam biển thường bắt đầu từ tháng 4-8, đây là thời điểm sam ngon và chắc thịt nhất.
Bạn có thể ghé Sam bà Tỵ ở ngõ 6 Cao Thắng, hoặc Sam Quảng Yên - quán ăn nằm trên cung đường từ Hạ Long về Hà Nội để thử món ăn này. Buổi chiều, ở khu ăn vặt của chợ Hạ Long 1 cũng có một quán bán chả sam, chân sam chua ngọt được đông đảo du khách biết đến.
Sá sùng
Là loại trùng biển được nhiều người nhận xét là có giá “đắt như vàng”, sá sùng là món ăn khá đắt đỏ. Mỗi cân sá sùng khô loại thượng hạng, giá thành có thể lên tới khoảng 4-5 triệu.
Sở dĩ có giá thành cao là bởi sá sùng có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý về hô hấp, xương khớp. Trong đông y, sá sùng là dược liệu có tính mát, vị mặn với công năng thanh nhiệt, giải độc, bổ dương khí, hỗ trợ điều trị một số chứng bệnh về dạ niệu hiệu quả.
Vị sá sùng có thể dùng để thay thế cho bột ngọt. Nếu sử dụng để nấu các món phở, bún, cháo... thì nước dùng của những món ăn này sẽ đặc biệt ngọt thanh. Bên cạnh đó, sá sùng tươi xào tỏi hoặc rang khô chấm với tương ớt ăn kèm với rau diếp cá cũng là món ăn đặc sản ở Hạ Long.
Sữa chua trân châu
Sau khi thưởng thức những món ăn mặn, du khách có thể tráng miệng bằng một phần sữa chua trân châu. Nhiều năm trước, món ăn vặt này từng được nhiều bạn trẻ ở khắp đất nước săn lùng. Phần sữa chua tự ủ mềm mịn, không lẫn đá đông, ăn kèm cùng trân châu dai sần sật mát lạnh khiến thực khách lưu luyến mãi. Một phần sữa chua có giá giao động từ 10.000-30.000 đồng ở thành phố Hạ Long.
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hội tụ nhiều điểm tham quan độc đáo, ẩm thực phong phú, phương tiện di chuyển đang dạng, cùng cuộc sống về đêm nhộn nhịp, Vịnh Hạ Long hứa hẹn sẽ mang đến khoảnh khắc đáng nhớ cho khách du lịch ghé thăm nơi đây.
Theo báo nhân dân