Di sản vịnh Hạ Long - Kiệt tác thiên nhiên thế giới

Sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa đã tạo nên một vịnh Hạ Long mang trong mình vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, tựa như bức tranh thủy mặc có một không hai trên thế giới.

TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh cùng đón nhận Quyết định của UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam (Ảnh: Thanh Sơn)

Vẻ đẹp kỳ vĩ, tuyệt tác của thiên nhiên

Trước núi non biển trời hùng vĩ, từ xa xưa, vẻ đẹp của vịnh Hạ Long đã trở thành nguồn cảm hứng của  các bậc trí giả và thi sĩ. Từ năm 1814 đến năm 1818, trong lần về Yên Quảng (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh ngày nay), nữ sĩ Hồ Xuân Hương đi thăm nhiều nơi, trong đó có vịnh Hạ Long. Bà đã có ấn tượng sâu sắc về cảnh quan và con người nơi đây, thể hiện qua chùm thơ chữ Hán.

Công trình nghiên cứu “Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long” của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho biết, nữ sĩ Hồ Xuân Hương có 5 bài thơ chữ Hán viết về vịnh Hạ Long, gồm Độ Hoa Phong (Qua vũng Hoa Phong), Hải ốc trù (Ngóng đỉnh Toan Ngoan), Nhãn phóng thanh (Mắt tỏa màu xanh), Thủy Vân hương (Về chốn nước mây) và Trạo ca thanh (Trỗi tiếng ca chèo).

Trong những dòng thơ viết về phong cảnh vịnh Hạ Long, ở bài thơ “Trạo ca thanh” có thể cảm nhận rõ biển trời, non nước Hạ Long như một bức tranh thủy mặc: “Linh lung tứ bích liệt vân bình/Ngọc duẩn sâm si thùy diện bình” (dịch thơ: “Long lanh bốn phía rủ màn mây/Nước phẳng lô nhô măng mọc dày”).

Với diện tích 1.553 km2, vịnh Hạ Long gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, tạo thành những nét chấm phá độc đáo. Dưới bàn tay của tạo hóa, các đảo đá sống động lạ kỳ như hòn Trống Mái - hòn đảo giống như đôi gà vờn nhau trên sóng nước. Hòn Đỉnh Hương lại giống chiếc lư hương khổng lồ đứng giữa biển khơi như để cúng tế trời đất. Trong số 980 đảo đã có tên, rất nhiều hòn mang hình dáng độc đáo, có thể liên tưởng đến những sự vật trong đời sống.

Vẻ đẹp của Hạ Long không chỉ ở dáng núi, sắc nước mây trời, mà còn ẩn chứa trong lòng các đảo đá một hệ thống hang động phong phú. Động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt và vô số hang động đẹp khác, gắn liền với những truyền thuyết dân gian như hang Trinh Nữ, hồ Động Tiên... Mỗi hang động như những kiệt tác tinh xảo của tạo hóa.

Vịnh Hạ Long cũng là nơi tập trung đa dạng sinh học cao, với những hệ sinh thái đặc thù của quần đảo đá vôi vùng nhiệt đới như: hệ sinh thái các thảm thực vật trên đảo và hệ sinh thái hang động, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái vùng ngập nước thường xuyên ven bờ… Với trên 2.900 loài động, thực vật phong phú trên rừng, dưới biển.

Vào tháng 9/1998, ông Tony Waltham, giáo sư nổi tiếng về địa chất, địa mạo Trường đại học Hoàng gia Trent Nottingham (Anh) đã đến nghiên cứu về địa chất tại 13 điểm trên bờ, 47 điểm và 32 hang động trên vịnh Hạ Long. Trong báo cáo đánh giá về địa chất, địa mạo của vịnh Hạ Long đến UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý vịnh Hạ Long, Văn phòng UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc) và Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Hà Nội đồng thời gửi Trung tâm Di sản thế giới tại Paris có đoạn viết: “Giá trị về cảnh quan của vịnh Hạ Long có lẽ không cần phải bàn thêm. Những ngọn núi tuyệt đẹp mọc lên trên mặt biển yên tĩnh của Vịnh đã tạo nên một khung cảnh thiên nhiên thật tuyệt vời”.

Thế giới ngưỡng mộ

Cách đây 30 năm, ngày 17/12/1994, vịnh Hạ Long lần đầu được UNESCO ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới bởi các giá trị nổi bật toàn cầu về mặt thẩm mỹ. Thời điểm đó, để được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị thẩm mỹ, vịnh Hạ Long đã đáp ứng tiêu chí của UNESCO, đó là: đại diện cho các hiện tượng thiên nhiên hoặc khu vực có tính duy nhất hoặc xuất sắc về mặt thẩm mỹ hoặc tính trình diễn; bao gồm các khu vực siêu tự nhiên hoặc tự nhiên có tính duy nhất hoặc xuất sắc về mặt thẩm mỹ hoặc tính trình diễn; bao gồm các khu vực có tính duy nhất hoặc xuất sắc về mặt thẩm mỹ hoặc tính trình diễn do các quá trình địa chất hay sinh học liên quan.

Là di sản thiên nhiên thế giới về giá trị thẩm mỹ do UNESCO công nhận, vịnh Hạ Long không chỉ có hệ sinh thái phong phú, đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, mà còn là nơi ghi dấu những truyền thuyết, lịch sử và văn hóa của người Việt.

Trong Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/1994, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam nhận định: “Sự kiện vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới tại Kỳ họp lần thứ 18, Hội đồng Di sản thế giới đã nâng tầm vóc giá trị của di sản này, đặt nó trong những mối quan hệ có tính toàn cầu. Đây không chỉ đơn thuần là sự kiện có ý nghĩa lớn về văn hóa, mà còn mang ý nghĩa chính trị và kinh tế lâu dài đối với công cuộc phát triển của đất nước”.  Nhận thức được giá trị địa chất, địa mạo ngoại hạng toàn cầu của vịnh Hạ Long, sau khi được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị thẩm mỹ, Quảng Ninh không ngừng nghiên cứu và khai thác thêm các giá trị của Vịnh.

Ngày 2/12/2000, Ủy ban Di sản Thế giới công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2 theo tiêu chuẩn (i) của Công ước Quốc tế về di sản thế giới. Khu di sản thế giới được UNESCO công nhận có diện tích 434 km2, bao gồm 775 hòn đảo, trong đó có 411 hòn đảo đã được đặt tên, được giới hạn bởi 3 điểm: đảo Đầu Gỗ (phía Tây), đảo Đầu Bê (phía Nam), đảo Cống Tây (phía Đông).

Khi đánh giá về hồ sơ đề cử vịnh Hạ Long, ngay từ năm 1993, Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế khuyến nghị: “Cần bổ sung vào khu vực này các đảo đá liền kề với đảo Cát Bà, là một phần của Vườn quốc gia, nhưng lại được tìm thấy ở địa phận giáp ranh Hải Phòng”. Việc mở rộng Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long bao gồm cả quần đảo Cát Bà sẽ tăng thêm giá trị vốn có của di sản. Điều này được minh chứng qua sự hài hòa về cảnh quan, địa chất, địa mạo, hệ sinh thái và đa dạng về các loài động, thực vật. Kể từ đó, việc triển khai các hoạt động bảo tồn, nghiên cứu lập hồ sơ đề cử di sản thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được tiếp tục đẩy mạnh. Đầu năm 2021, hồ sơ đề cử được chỉnh sửa, hoàn thiện theo nội dung khuyến nghị và trình UNESCO.

Ngày 16/9/2023, kỳ họp lần thứ 45, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã thông qua hồ sơ đề cử và công nhận quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Với những vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú có giá trị nổi bật toàn cầu, điểm cuối trong quá trình tiến hóa karst, đại diện cho 7 hệ sinh thái liền kề, môi trường sống của nhiều loại động vật quý hiếm, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là di sản liên vùng đầu tiên ở Việt Nam có ranh giới nằm trên địa phận tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng.

Vịnh Hạ Long Là di sản thiên nhiên thế giới về giá trị thẩm mỹ do UNESCO công nhận

Đề xuất danh hiệu thứ 3 của UNESCO cho vịnh Hạ Long

Tháng 7/2024, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 46, Ủy ban Di sản thế giới, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng đoàn công tác đã xin ý kiến các chuyên gia, cơ quan tư vấn của UNESCO trong việc xây dựng hồ sơ mở rộng tiêu chí 10 về đa dạng sinh học của vịnh Hạ Long, đề xuất UNESCO công nhận.

Theo đánh giá, thế giới sinh vật tại vịnh Hạ Long rất đa dạng và phong phú, đầy đủ thành phần các loài sinh vật trên cạn, dưới nước, bậc thấp, bậc cao cùng sinh sống trong 10 hệ sinh thái biển và rừng khác nhau. Đến nay đã thống kê được gần 3.000 loài động, thực vật sống trong khu vực. Sự đa dạng về thành phần loài trên cạn, dưới nước đã nói lên bức tranh đa dạng sinh học, đưa vịnh Hạ Long trở thành khu vực có số lượng loài nhiều nhất đã biết ở Việt Nam.

Nếu được công nhận, vịnh Hạ Long sẽ có danh hiệu thứ 3 của UNESCO cho riêng mình. Việc UNESCO vinh danh không chỉ giúp vịnh Hạ Long được bảo vệ tốt hơn, mà còn tăng cường vị thế của Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung trên bản đồ du lịch thế giới.

Theo baodautu.vn