Điểm đến di sản hút khách bậc nhất thế giới
Qua đánh giá cho thấy, Vịnh Hạ Long thuộc top những di sản nổi tiếng nhất trên thế giới, là điểm đến hút khách bậc nhất của Quảng Ninh với gần 60 triệu lượt khách đã ghé thăm di sản trong 30 năm qua. Vẻ đẹp tự nhiên tuyệt mỹ của di sản có thể nói chính là sức hấp dẫn lớn nhất, bên cạnh đó là sự quan tâm vào cuộc của tỉnh trong đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ và quản lý tốt môi trường kinh doanh du lịch, mang lại trải nghiệm trọn vẹn cho du khách khi đến với Vịnh Hạ Long.
Vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long là xác thực không cần bàn cãi. Vẻ đẹp này, ngay từ những năm 30, 40 của thế kỷ trước đã được một cựu sĩ quan Pháp là Lapique khai phá làm du lịch. Lapique đã mở đường, xây bến tắm, trang sắm 4 tàu du lịch mang tên các loại ngọc đưa du khách thăm vịnh. Khi đó, Lapique đã in những tờ quảng cáo gọi Vịnh Hạ Long là “Kỳ quan thứ tám” của thế giới.
Vẻ đẹp ngoạn mục của di sản thế giới Vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO ghi danh về giá trị thẩm mỹ và giá trị địa chất, địa mạo.
Lịch sử đất nước trải qua chiến tranh, việc khôi phục, xây dựng lại cần có thời gian nên tiềm năng du lịch Vịnh Hạ Long chưa thể phát huy hết vào giai đoạn đầu những năm mới hoà bình, thống nhất đất nước. Cuối năm 1994, Vịnh Hạ Long chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản Thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mỹ. Nối tiếp đó, di sản này tiếp tục được ghi danh Di sản thế giới về giá trị địa chất, địa mạo vào năm 2000. Từ đây, cũng mở ra trang mới cho sự phát triển của du lịch di sản. Và cho tới nay, dù đã qua 3 thập kỷ, Vịnh Hạ Long ngày càng khẳng định sức hút với du khách bốn phương, luôn là trọng điểm du lịch của tỉnh, góp phần đưa Hạ Long, Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Đa dạng dịch vụ, nâng cao chất lượng trải nghiệm
Theo thời gian, các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long ngày càng được đa dạng hóa, hướng đến phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao. Các sản phẩm du lịch truyền thống trên Vịnh Hạ Long, như: tham quan hang động, tắm biển, chèo kayak, nghỉ đêm trên du thuyền… được chú trọng nâng cao chất lượng. Cùng với đó, đã và đang phát triển thêm nhiều tuyến, điểm và sản phẩm, dịch vụ du lịch mới: 8 hành trình tham quan, du lịch và 5 cụm, điểm lưu trú nghỉ đêm; hoạt động thử nghiệm của du thuyền khám phá với 3 tuyến tham quan riêng; sản phẩm trải nghiệm ẩm thực kết hợp thưởng thức âm nhạc và tham quan vẻ đẹp của TP Hạ Long về đêm; mở rộng sản phẩm du lịch dựa trên việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa làng chài, văn hóa khảo cổ, đa dạng sinh học trên Vịnh Hạ Long.
Du khách chèo kayak tại khu vực Trà Sản - Cống Đỏ trên Vịnh Hạ Long.
Thời gian qua, tỉnh cũng chú trọng mở rộng không gian du lịch nhằm gia tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian nghỉ dưỡng của du khách, giảm áp lực cho khu vực di sản. Theo đó, tỉnh đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phê duyệt Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô, trong đó định hướng cụ thể phát triển du lịch tại không gian Vịnh Hạ Long với các sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm thu hút khách du lịch, như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm và khám phá văn hóa cư dân vùng biển Hạ Long, du lịch gắn với thể thao… Mở rộng không gian du lịch theo hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền để tăng tính kết nối khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn và Cô Tô; cho phép hoạt động thí điểm các tuyến du lịch nhà hàng ven bờ, tuyến du thuyền khám phá nhằm giảm tải lượng khách tham quan tại một số khu vực có dấu hiệu quá tải cục bộ tại vùng lõi di sản; mở một số tuyến hành trình mới kết nối từ Vịnh Hạ Long xuống Vịnh Bái Tử Long, từ Vịnh Hạ Long sang Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng)…
Các bãi tắm hoang sơ trên vịnh đang được nghiên cứu đưa vào khai thác phục vụ thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao. Ảnh chụp Bãi Cát Oăn trên Vịnh Hạ Long.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, gần đây, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành chức năng nghiên cứu tham mưu phát triển một số sản phẩm du lịch mới trên Vịnh Hạ Long: các bãi tắm quy mô lớn và nhỏ; đưa vào khai thác các hang động mới, các khu vực có cảnh quan đẹp, an toàn; tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật thời gian ngắn tại các hang động, bãi tắm; xây dựng các sản phẩm lưu niệm đặc sắc mang bản sắc riêng...
Siết chặt khâu quản lý
Theo thông tin từ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, hiện nay, trên vịnh có 502 tàu du lịch đăng ký hoạt động, trong đó có 323 tàu tham quan, 177 tàu lưu trú, 4 tàu nhà hàng và 7 du thuyền khám phá. Bên cạnh đó, còn có 590 kayak, 100 đò chèo tay, 31 xuồng cao tốc phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách khi đến với Vịnh Hạ Long. Hoạt động của tàu du lịch và các dịch vụ du lịch được quản lý chặt chẽ.
Qua tìm hiểu cho thấy, cơ chế quản lý tàu du lịch thời gian qua được tỉnh xây dựng đồng bộ. Số lượng tàu du lịch từ năm 2016 được điều tiết giảm về số lượng và gia tăng hiệu suất khai thác tàu. Theo đó, năm 2016 có 533 tàu đăng ký hoạt động, đến nay giảm còn 502 tàu. Hiện nay, tỉnh tiếp tục thực hiện phương án thay thế tàu du lịch theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng, an toàn và tăng hiệu suất khai thác. Việc kiểm tra, đánh giá, phân hạng chất lượng tàu về các điều kiện thẩm mỹ, an toàn, phòng cháy chữa cháy được thực hiện hàng năm; chỉ cấp phép hoạt động vận chuyển khách du lịch trên Vịnh Hạ Long đối với những tàu đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu đề ra. Bộ tiêu chí Nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh” được áp dụng cho tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long từ năm 2018 để khuyến khích các tàu du lịch tuân thủ các tiêu chí về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong thời gian gần đây, không còn xảy ra các sự cố cháy tàu nghiêm trọng gây thiệt hại về người. Các trường hợp vi phạm của tàu du lịch đã giảm rõ rệt qua các năm...
Tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long ngày càng được đầu tư nâng cao về chất lượng, an toàn và gia tăng hiệu suất khai thác.
Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ trên Vịnh Hạ Long, từ chỗ phân tán, nhỏ lẻ, thiếu thủ tục pháp lý, chất lượng dịch vụ chưa cao, đến năm 2016, các loại hình dịch vụ kayak, đò chèo tay, xuồng cao tốc được tổng rà soát, kiểm tra. Năm 2023, 2024, tỉnh đã ban hành Quyết định công bố 8 vùng vui chơi giải trí dưới nước trên Vịnh Hạ Long theo quy định. Nhiều biện pháp quản lý, kiểm soát dịch vụ được siết chặt với việc ban hành quy định, phương án quản lý, quy định khu vực, tuyến hoạt động và tổ chức ký hợp đồng hoạt động giữa Ban Quản lý Vịnh Hạ Long với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ đò chèo tay, kayak trên Vịnh Hạ Long hàng năm, góp phần đa dạng sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất, yêu cầu doanh nghiệp thường xuyên rà soát, bổ sung phương án hoạt động, đảm bảo an toàn cho khách du lịch; tập huấn nghiệp vụ cho các nhân viên chèo đò, đội ngũ hướng dẫn hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được tuyên truyền, cấp phát bộ quy tắc ứng xử "Văn minh du lịch", "Nụ cười Hạ Long". Toàn bộ tàu du lịch đều ký cam kết nâng cao kỹ năng ứng xử với khách du lịch, chất lượng dịch vụ, thực hiện nghiêm túc và kiểm soát việc không mang sản phẩm từ nhựa dùng một lần, đảm bảo an toàn cho tàu và khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long. Qua đó ý thức, trách nhiệm, kỹ năng, thái độ ứng xử, phục vụ khách được cải thiện và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Kỹ năng ứng xử được cải thiện, nâng cao mang lại sự hài lòng cho du khách đến với di sản Vịnh Hạ Long.
Nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ phí tham quan và đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ khách được triển khai. Cơ cấu vé tham quan được thay đổi theo hướng tập trung, áp dụng hình thức bán vé tham quan chung, tham quan điểm một lần tại cảng tàu để quản lý chặt chẽ, hạn chế tối đa thất thoát, tạo thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục cho du khách. Việc miễn, giảm vé, hoàn trả vé tham quan được thực hiện đúng đối tượng, đúng quy trình, quy định, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện...
Cải thiện cơ sở hạ tầng đảm bảo an toàn, thuận tiện
Với định hướng phát triển du lịch di sản theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, thời gian qua, cùng với việc mở tuyến cao tốc dọc tỉnh, Quảng Ninh đã huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư hàng loạt cầu cảng du lịch, đặc biệt là Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu khách quốc tế Ao Tiên, đáp ứng nhu cầu tiếp cận dễ dàng của khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến tham quan Vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo có trọng tâm, trọng điểm cơ sở hạ tầng tại các điểm tham quan, điểm lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long nhằm đảm bảo an toàn, mỹ quan, mang lại sự hài lòng cho khách du lịch, như: Thiên Cung, Đầu Gỗ, Ti Tốp, Mê Cung, Tiên Ông, Ba Hang, Vông Viêng, Cửa Vạn...
Hạ tầng đồng bộ, hiện đại của Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.
Doanh nghiệp được khuyến khích, hỗ trợ tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch trên Vịnh Hạ Long, như: Điểm dừng chân, dịch vụ, tham quan, giới thiệu sản phẩm tại vụng Cặp Táo; khu nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển du lịch bền vững tại Vung Viêng... góp phần tăng tính hấp dẫn của điểm đến di sản, mang lại những trải nghiệm tốt nhất và kéo dài thời gian tham quan của du khách.
Với những nỗ lực đó, Vịnh Hạ Long ngày càng trở thành điểm đến hút khách, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Quảng Ninh. Qua thống kê cho thấy, 30 năm qua, Vịnh Hạ Long đã đón hơn 57 triệu lượt khách, trong đó có gần 31 triệu khách quốc tế, mang lại nguồn thu từ phí tham quan đạt trên 8.608 tỷ đồng. Di sản cũng tiếp tục được đón nhận thêm nhiều danh hiệu mới, như: Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, di sản địa chất quốc tế Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, khu du lịch hàng đầu Việt Nam, điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam…