Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam: “Cống hiến của Việt Nam cho Vịnh Hạ Long là một thí dụ mẫu mực trong công tác bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới”
So với các quốc gia khác, Việt Nam nổi bật về sự tham gia sáng tạo của các bên liên quan và ưu tiên bảo tồn nhằm bảo đảm tính bền vững lâu dài”, ông Jonathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định về hành trình 30 năm bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long của Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 30 năm Vịnh Hạ Long trở thành Di sản thiên nhiên thế giới (1994-2024), phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc phỏng vấn ông Jonathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam. Ông đã có những đánh giá về thành tựu trong công tác bảo tồn di sản cũng như đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam trong xây dựng chiến lược bảo tồn di sản bền vững.
Ông Jonathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam
Phóng viên: Tròn 30 năm trở thành Di sản thiên nhiên thế giới (1994-2024), Vịnh Hạ Long đã và đang được quản lý, bảo vệ và khai thác có hiệu quả, là tài nguyên vô giá của Việt Nam nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của Quảng Ninh trong việc bảo tồn Vịnh Hạ Long?
Ông Jonathan Baker: Trong 30 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện cam kết đáng chú ý trong việc bảo tồn các Giá trị Nổi bật Toàn cầu (OUV) của Vịnh Hạ Long. Thông qua các chiến lược quản lý toàn diện và lồng ghép bảo tồn di sản vào các chính sách phát triển, tỉnh đã nâng Vịnh Hạ Long trở thành biểu tượng được thế giới công nhận về bản sắc thiên nhiên và văn hóa Việt Nam.
Các hoạt động hợp tác với UNESCO và các chuyên gia quốc tế đã đóng vai trò then chốt trong việc áp dụng các phương pháp quản lý tổng hợp phù hợp các tiêu chuẩn bảo tồn toàn cầu. Những nỗ lực này không chỉ bảo vệ địa điểm mà còn định vị nơi đây là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững, trong đó du lịch đóng vai trò là động lực chính.
Sự hợp tác giữa chính quyền cấp tỉnh và cộng đồng địa phương, cũng như việc tuân thủ các hướng dẫn của UNESCO cũng đặt ra chuẩn mực cho các khu vực khác.
Phóng viên: Đối với hệ thống di sản thiên nhiên thế giới hiện nay, Vịnh Hạ Long có vai trò và tầm quan trọng như thế nào?
Ông Jonathan Baker: Vịnh Hạ Long là một địa điểm mang tính biểu tượng trong Mạng lưới Di sản Thiên nhiên Thế giới, thể hiện sự tương tác giữa các quá trình địa chất và đa dạng sinh học độc đáo.
Khu di sản là biểu tượng của vẻ đẹp thiên nhiên nổi bật và ý nghĩa địa chất, với hàng ngàn núi đá vôi và đảo nhỏ được tạo tác qua hàng triệu năm. Đây cũng là nơi có hệ sinh thái đa dạng, bao gồm các loài sinh vật biển độc đáo, góp phần vào nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu.
Khu di tích này không chỉ có giá trị thiên nhiên mà còn gắn bó với di sản văn hóa của cộng đồng địa phương, thể hiện mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Nó là nguồn cảm hứng cho các mô hình bảo tồn trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Đông Nam Á.
Việc công nhận đây là Di sản Thế giới nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn các kỳ quan thiên nhiên, thúc đẩy các sáng kiến bảo tồn xuyên biên giới và nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản trên toàn cầu.
Phóng viên: Quảng Ninh đã xây dựng được kế hoạch tổng thể mới quản lý, bảo tồn Vịnh Hạ Long trong dài hạn và có điều chỉnh trong từng năm, tránh việc phá núi, lấp biển. Đặc biệt, trong đó, tỉnh Quảng Ninh vừa bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội, đồng thời vẫn giữ được các giá trị văn hóa làng chài phục vụ các tour du lịch cộng đồng chuyên nghiệp, có sự vào cuộc của cộng đồng trong bảo tồn di sản. UNESCO đánh giá thế nào về công tác bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long của Việt Nam? So cách bảo vệ các di sản thiên nhiên thế giới ở các nước khác, ông thấy Việt Nam có những điểm sáng gì?
Ông Jonathan Baker: UNESCO coi sự cống hiến của Việt Nam cho Vịnh Hạ Long là một thí dụ mẫu mực trong công tác bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới. Việc lồng ghép các điều chỉnh hằng năm vào quy hoạch tổng thể phản ánh một cách tiếp cận năng động, ưu tiên bảo tồn đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững của các bạn.
Cộng đồng địa phương là trung tâm trong nỗ lực bảo tồn của Việt Nam. Bằng cách lồng ghép di sản văn hóa vào các hoạt động du lịch, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long không chỉ bảo tồn các tập quán truyền thống mà còn nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm chung trong việc bảo vệ khu vực. Các biện pháp an sinh xã hội và bảo tồn làng chài nêu bật trọng tâm của Việt Nam trong việc cân bằng các giá trị văn hóa với phúc lợi cộng đồng.
"UNESCO coi sự cống hiến của Việt Nam cho Vịnh Hạ Long là một thí dụ mẫu mực trong công tác bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới.
Việc thúc đẩy du lịch sinh thái đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, kích thích phát triển bền vững đồng thời bảo đảm bảo vệ đa dạng sinh học và sức khỏe hệ sinh thái. Những nỗ lực này nhấn mạnh mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và tiến bộ kinh tế-xã hội.
So với các quốc gia khác, Việt Nam nổi bật về sự tham gia sáng tạo của các bên liên quan và ưu tiên bảo tồn nhằm bảo đảm tính bền vững lâu dài.
Phóng viên: Khai thác, phát huy giá trị di sản, Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng có nhiều chương trình quảng bá du lịch, phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Theo ông, cách làm bảo tồn và phát huy di sản của Vịnh Hạ Long đã đi đúng các tiêu chí của UNESCO?
Ông Jonathan Baker: Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh đã có những bước tiến đáng kể trong việc thống nhất bảo tồn và phát huy di sản dựa trên các tiêu chí của UNESCO.
Sự sẵn lòng giải quyết những thách thức do quá trình đô thị hóa và phát triển du lịch nhanh chóng đặt ra thể hiện cam kết của họ trong việc duy trì tính xác thực và tính toàn vẹn của khu di sản.
Tiêu chí của UNESCO nhấn mạnh sự cần thiết của quản lý tổng hợp và sự tham gia của các bên liên quan để đảm bảo cách tiếp cận bền vững được phản ánh trong suốt chuỗi giá trị du lịch nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa và thiên nhiên của khu di sản.
Cộng đồng địa phương đóng vai trò tích cực trong các hoạt động du lịch, quảng bá di sản văn hóa và thu được lợi ích kinh tế.
Tuy nhiên, việc giám sát và điều chỉnh liên tục là cần thiết để bảo đảm các hoạt động du lịch không làm tổn hại đến giá trị nổi bật toàn cầu của Vịnh Hạ Long.
Phóng viên: Để làm tốt công tác quản lý Vịnh Hạ Long, ngoài yếu tố nhân lực, thì vai trò của người dân rất quan trọng. Ông đánh giá thế nào về vai trò của cộng đồng, chủ thể là người dân bản địa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản?
Ông Jonathan Baker: Cộng đồng, đặc biệt là người dân bản địa, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn Vịnh Hạ Long. Kiến thức sâu sắc của họ về hệ sinh thái, truyền thống và các hoạt động bền vững địa phương là vô giá để quản lý di sản hiệu quả.
Các sáng kiến du lịch dựa vào cộng đồng có sự tham gia tích cực của người dân bản địa trong việc hướng dẫn và giới thiệu các hoạt động văn hóa đã bảo vệ sinh kế truyền thống và làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách, thúc đẩy mối liên hệ sâu sắc hơn giữa khách du lịch và khu di sản.
Phóng viên: Theo ông, hạn chế du lịch đại trà và tập trung nhiều hơn vào các hoạt động du lịch bảo vệ môi trường có nên là một hướng đi cho Vịnh Hạ Long nói riêng và các di sản thiên nhiên thế giới nói chung để khai thác hài hòa và bền vững di sản?
Ông Jonathan Baker: Hạn chế du lịch đại chúng và tập trung vào các hoạt động du lịch bền vững phải là ưu tiên hàng đầu của Vịnh Hạ Long và các di sản thế giới khác.
Bằng cách ưu tiên chất lượng hơn số lượng, Việt Nam có thể bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học của vịnh đồng thời tạo ra những trải nghiệm độc đáo, phong phú cho du khách.
Các bạn cần tăng cường công tác quản lý Vịnh Hạ Long bằng các nguồn lực bổ sung để cải thiện việc giám sát và bảo tồn.
Du khách phải chịu trách nhiệm bảo vệ và bảo tồn các di sản, điều này có thể đạt được thông qua truyền thông và giáo dục có mục tiêu về du lịch có trách nhiệm.
Việc áp dụng các phương pháp tiếp cận bền vững và các giải pháp rõ ràng giúp Vịnh Hạ Long trở thành hình mẫu cho các địa phương khác trên toàn quốc.
Các chính sách như hạn chế tiếp cận các khu vực nhạy cảm, chứng nhận du lịch sinh thái cho các nhà khai thác và khuyến khích du lịch có tác động thấp sẽ bảo đảm tính bền vững lâu dài của khu vực.
Tăng cường du lịch bền vững tại vịnh Hạ Long
Phóng viên: Thách thức lớn đối với công tác bảo tồn văn hóa và di sản chính là sự gia tăng của khách du lịch, suy thoái môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên… Tới đây, Quảng Ninh sẽ xúc tiến nhiều dự án để giúp du khách có thêm nhiều cách thức khám phá thiên nhiên kỳ thú của Vịnh Hạ Long. Trước những thách thức đó, theo ông, chúng tôi cần làm gì để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn?
Ông Jonathan Baker: Để tăng cường du lịch bền vững tại Vịnh Hạ Long, các biện pháp sau đây có thể được xem xét: Xây dựng các chính sách quản lý du khách chặt chẽ hơn, bao gồm cả giới hạn sức chở của khách du lịch và tàu thuyền.
Thúc đẩy các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường, loại bỏ đồ nhựa sử dụng một lần và thúc đẩy năng lượng xanh trong giao thông vận tải.
Các bạn cần tăng cường khung pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động trong vịnh để đảm bảo tuân thủ các mục tiêu bảo tồn.
Phát triển trải nghiệm du lịch dựa trên văn hóa và sự sáng tạo phản ánh giá trị của khu di sản, thúc đẩy mối liên hệ sâu sắc hơn giữa du khách và di sản.
Bên cạnh đó, các bạn cần tiếp tục đầu tư vào các chiến dịch giáo dục di sản để nâng cao nhận thức của khách du lịch và các bên liên quan ở địa phương về tầm quan trọng của việc bảo vệ các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản.
Bảo đảm cơ cấu quản trị hiệu quả để quản lý tổng thể khu vực, bảo đảm sự phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan.
Tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất và hỗ trợ các dự án bền vững.
Bè nuôi cá tại làng chài Cửa Vạn.
Phóng viên: Xin ông đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị để có thể bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di sản Vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà một cách hiệu quả?
Ông Jonathan Baker: UNESCO khuyến nghị các bạn cần thiết lập khung quản lý thống nhất cho Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà để bảo đảm các nỗ lực bảo tồn được gắn kết.
Về nghiên cứu khoa học, cần phải đầu tư vào nghiên cứu đa dạng sinh học để định hướng chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị sinh thái của khu vực một cách thường xuyên.
Đồng thời, thúc đẩy du lịch bền vững thông qua kế hoạch quản lý chi tiết lồng ghép bảo tồn và phát triển, bảo đảm cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo tồn môi trường.
Các bạn cần phát triển các chiến lược quản lý du khách chặt chẽ và phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch mang lại trải nghiệm phong phú cho du khách dựa trên các giá trị của khu di sản.
Trao quyền cho cộng đồng địa phương bằng việc đào tạo về du lịch sinh thái, nghề thủ công truyền thống và khách sạn để tăng cường bảo tồn văn hóa và tham gia kinh tế.
Các bạn cần có chính sách khuyến khích phát triển du lịch xanh thông qua cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường và các quy định nghiêm ngặt về môi trường đối với các nhà điều hành.
Mở rộng các chương trình đào tạo cộng đồng để tăng cường sự tham gia của địa phương vào các nỗ lực bảo tồn và du lịch bền vững.
Về chiến dịch nâng cao nhận thức, các bạn cần phát triển các sáng kiến giáo dục nhằm nêu bật tầm quan trọng về sinh thái và văn hóa của vịnh, hướng tới cả đối tượng địa phương và quốc tế.
Bên cạnh đó, các bạn cần tận dụng sự hợp tác với các tổ chức bảo tồn toàn cầu để có được nguồn tài trợ và chuyên môn kỹ thuật; thường xuyên cập nhật các chiến lược quản lý dựa trên những phát hiện khoa học và ý kiến đóng góp của các bên liên quan nhằm giải quyết những thách thức mới nổi và bảo đảm bảo tồn lâu dài.
Theo báo nhân dân