Bảo vệ quần thể di sản trước nguy cơ tác động của môi trường, tự nhiên và con người

Cơn bão Yagi quét qua Vịnh Hạ Long, cuốn phăng 70% thảm thực vật ở rừng nguyên sinh. Hạ Long, sau đại dịch Covid-19 chưa kịp hồi phục, lại bị bồi thêm cơn lốc tàn khốc của mẹ thiên nhiên. Suốt 30 năm qua, di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long không ít lần phải “gồng mình” chống chọi trước sự biến đổi của môi trường, những tác động của biến đổi khí hậu như cơn bão Yagi lần này, và cả sự vô tâm của con người trong bảo vệ di sản.

Tháng 11, chúng tôi có dịp trở lại Hạ Long, sau 30 năm nơi đây được vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới. Hạ Long xác xơ hơn sau bão, nhưng sức sống nội tại của 400km2 vùng di sản, vẫn đứng vững trước tác động của thời gian, như một viên ngọc chưa được mài giũa hết… ào đây

Bảo vệ di sản phải bắt đầu từ yếu tố con người

Du Văn Nhặt (1989), sinh ra và lớn lên ở làng chài Cửa Vạn. Ba đời nhà Nhặt, đều lựa chọn mưu sinh ở ngôi làng nhỏ thanh bình giữa Vịnh này vì nơi đây thiên nhiên ưu đãi với nhiều cửa thông, dòng chảy tốt hơn cho việc nuôi thủy hải sản, nhất là nuôi cá. Dân làng chài Cửa Vạn đều nằm lòng những nét văn hóa cổ truyền của người con đất mỏ. Nhặt cũng vậy, cậu được phát hiện có khả năng ca hát từ tấm bé. Lớn hơn chút, cậu được đưa về bờ, học ca hát, truyền dạy kiến thức về bảo tồn di sản. Khi được bồi đắp đủ kiến thức, năm 2011, Nhặt được tạo cơ hội trở thành một thành viên của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.

Du Văn Nhặt - thành viên của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Nhặt, cũng như không ít bà con sống trong lòng di sản, hiểu di sản, hiểu thiên nhiên quê mình, đã trở thành một thành viên tích cực trên hành trình bảo vệ di sản.

Không có cách nào hay hơn bảo vệ di sản, bằng chính sự tham gia của người dân bản địa. Nhặt, cũng như không ít bà con sống trong lòng di sản, hiểu di sản, hiểu thiên nhiên quê mình, đã trở thành một thành viên tích cực trên hành trình bảo vệ di sản như vậy. Gắn bó với Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn 11 năm qua, trung bình mỗi ngày tiếp khoảng 400-500 khách, Nhặt không chỉ là nhân viên quản lý tại trung tâm văn hóa, còn là hướng dẫn viên giới thiệu nét văn hóa làng nổi Cửa Vạn thông qua 1.200 tư liệu hình ảnh, hiện vật sống động về làng chài Cửa Vạn, được sắp xếp theo 5 chủ đề chính là phương thức kiếm sống của ngư dân, đời sống vật chất của dân chài, thủy cư với cuộc sống đời người, tâm linh và cuộc sống tinh thần. Cậu còn là một ca sĩ hát giao duyên... có giọng ca rất ngọt ngào.

Khu nuôi bè cá tại làng chài Cửa Vạn. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Là người bản địa, Nhặt thường xuyên lân la với bà con, vừa tuyên truyền, vừa động viên bà con có những hành động thiết thực bảo vệ di sản như: chuyển đổi không sử dụng chai nhựa, không xả rác bừa bãi, không phát sinh những nhà bè đơn lẻ nuôi hải sản làm ảnh hưởng tới môi trường, đánh bắt trái phép thủy hải sản... Đứng trong lòng Cửa Vạn, Nhặt chỉ ra làng chài bảo: Trước đây bà con nuôi thủy hải sản không bảo đảm môi trường, rác nổi lềnh phềnh... thì nay đã được quy hoạch rất gọn gàng. “Nếu có nhà bè kiên cố hơn nữa, tôi nghĩ đây sẽ là điểm hấp dẫn du khách trải nghiệm ngủ qua đêm trên bè”, Nhặt mong mỏi.

Nhặt không chỉ là nhân viên quản lý tại Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, còn là hướng dẫn viên giới thiệu nét văn hóa làng nổi Cửa Vạn.                        Ảnh: THÀNH ĐẠT   

Để có được một Hạ Long xanh-sạch-đẹp và là điểm đến thân thiện, an toàn cho du khách, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã có một chiến lược dài hơi trong việc làm thay đổi về ý thức của người dân về bảo tồn di sản.

Suốt 30 năm bảo vệ di sản, sự biến chuyển về mặt ý thức của người dân, sự tham gia của cộng đồng người bản địa trong hành trình bảo vệ di sản có nhiều tích cực. Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chia sẻ, mỗi người dân Quảng Ninh nói riêng và người Việt Nam nói chung nhận thức rõ ràng trách nhiệm giữ gìn tôn tạo bảo vệ phát huy di sản thiên nhiên thế giới.

Rác trên Vịnh Hạ Long thường xuyên được thu gom, xử lý.

Trước khi được vinh danh, các hoạt động vận tải du lịch chưa được quản lý chặt chẽ và chưa có chế tài xử lý vi phạm. Với sự kiên trì nhiều năm vận động, tuyên truyền và có những chế tài xử phạt nghiêm khắc, TP Hạ Long đã làm thay đổi nhận thức cho các cá nhân có sự thay đổi nhất định trong bảo vệ di sản, thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội trong vùng di sản tuân thủ quy định của UNESCO và Luật Di sản, nhất là hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản, bảo vệ giá trị đặc sắc của Vịnh Hạ Long.

Ban Quản lý Vịnh đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tăng cường tuyên truyền trực tiếp, đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng.

Quảng Ninh xác định bảo vệ môi trường, kiểm soát các hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long là nhiệm vụ quan trọng. Vì thế, cơ quan chức năng đã triển khai công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vì xâm hại đến các hệ sinh thái và các loài sinh vật. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tích cực kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long như: phối hợp với tổ chức UNESCO, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) triển khai chương trình Giám sát đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long năm 2019; Phối hợp với trường đại học Osaka Nhật Bản triển khai các hoạt động trồng phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn tại khu vực Đầu Gỗ, Ba Cửa trên Vịnh Hạ Long…

Các tình nguyện viên chèo kayak đi vớt rác trôi nổi trên biển Vịnh Hạ Long.
Đợt ra quân thu gom, xử lý rác thải trôi nổi nói trên là một trong số rất nhiều những hoạt động, giải pháp mạnh mẽ mà tỉnh Quảng Ninh và TP Hạ Long đã và đang thường xuyên triển khai thời gian qua để giữ gìn, bảo vệ môi trường di sản thế giới.

Bảo vệ sự đa dạng của hệ sinh thái Hạ Long

Cơn bão số 3 (Yagi) gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến các giá trị tự nhiên của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, đặc biệt là giá trị đa dạng sinh học, trong đó có hệ sinh thái thảm thực vật trên núi đá vôi. Cùng với các chuyên gia của Viện Sinh Thái và Tài nguyên sinh vật, Ban Quản lý Vịnh đã khảo sát, đánh giá hiện trạng tại một số đảo lớn trong tuyến điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long cho thấy, toàn bộ khu rừng đặc dụng hơn 5 nghìn ha bị thiệt hại tới 70%. Một kế hoạch khắc phục hậu quả sau bão được ban hành khẩn trương như thu gom rác thải trôi nổi, giảm thiểu các tác động của ô nhiễm môi trường đến các hệ sinh thái, các loài sinh vật; triển khai các giải pháp phòng chống cháy rừng như; triển khai các giải pháp phục hồi hệ sinh thái thảm thực vật tại các khu vực bị ảnh hưởng như dọn dẹp tạo không gian cho cây gãy đổ phục hồi, triển khai trồng bổ sung các loại thực vật bản địa, thực vật quý tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng.

Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh tham gia dọn rác thải trên Vịnh Hạ Long.

“Với sự nỗ lực của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và các cơ quan liên quan, thảm thực vật từng bước được phục hồi, không để xảy ra cháy rừng trên vịnh. 2 tháng bão đi qua, thiên nhiên đang phục hồi, màu xanh trả cho các đảo. Mùa xuân, Hạ Long sẽ khoác lên áo mới rất đẹp”, ông Cường tin tưởng.

Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, di sản Vịnh Hạ Long là một trong những khu vực có sự đa dạng cao về các hệ sinh thái đặc thù của quần đảo đá vôi vùng nhiệt đới như: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên núi đá vôi; Hệ sinh thái hang động; Hệ sinh thái rừng ngập mặn; Hệ sinh thái vùng triều rạn đá quanh các đảo; Hệ sinh thái rạn san hô; Hệ sinh thái đáy mềm... Và đặc biệt, nơi đây là một trong những nơi tập trung nhiều hệ sinh thái hồ nước mặn nhất trên thế giới với 81 hồ; có số lượng loài sinh vật nhiều nhất Việt Nam với hơn 3.000 loài sinh vật cả trên cạn và dưới nước.

Thảm thực vật trên các đảo đá. Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long

Để bảo tồn và bảo đảm an toàn cho các Hệ sinh thái tại Vịnh Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học và triển khai các chương trình, kế hoạch khảo sát, điều tra đa dạng sinh học của vịnh, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, như: chủ trì thực hiện nhiệm vụ“Nghiên cứu giá trị của các hang ngầm và hồ nước mặn trên vịnh Hạ Long”; Phối hợp với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thực hiện nhiệm vụ “Điều tra bổ sung, đánh giá đa dạng thực vật bậc cao có mạch và tìm kiếm các loài thực vật có chứa hoạt tính sinh học cao tại các đảo vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và đề xuất các giải pháp bảo tồn, sử dụng bền vững”...

Những kết quả thu được từ những nhiệm vụ khoa học là cơ sở quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp, kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học nói riêng và giá trị di sản nói chung.

Hệ sinh thái tùng áng. Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long

Ban tích cực triển khai thực hiện Quyết định 3363/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt thành lập Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long nhằm bảo vệ toàn bộ 5.032,22 ha diện tích khu rừng đặc dụng trên vịnh Hạ Long. Đồng thời, Ban tham mưu cho UBND tỉnh nghiên cứu thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Vịnh Hạ Long nhằm bảo tồn nghiêm ngặt tài nguyên tự nhiên, đặc biệt các hệ sinh thái khu vực Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Nhiều giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học đã được triển khai như: Khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực có đa dạng sinh học cao, đặc biệt là các hệ sinh thái biển có nguy cơ bị tác động như rạn san hô, hệ sinh thái hang động, tùng áng cũng như các khu vực tập trung nhiều loài quý hiếm, đặc hữu trên các đảo đá vôi; triển khai nhân giống và trồng bảo tồn loài thực vật quý trên Vịnh Hạ Long như cọ Hạ Long, Tuế Hạ Long, Bông mộc...

Rừng ngập mặn Vịnh Hạ Long. Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đang triển khai đề xử lý nước thải theo công nghệ Nhật Bản, đang đánh giá kết quả thí điểm để tiến tới nhân rộng tới các điểm tham quan du lịch. Nhằm nâng cao chất lượng phương tiện vận chuyển khách, chuyển dần từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép với vật liệu thân thiện với môi trường. “Tốc độ này đang được đẩy rất nhanh. Phấn đấu đến năm 2030, toàn bộ tàu hoạt động du lịch trên vịnh là tàu vỏ thép. Hạ Long cũng khuyến khích tàu chở khách sơn trắng, lắp cánh buồm truyền thống, phù hợp với vùng Vịnh”, ông Cường nói.

Ban cũng đang phối hợp với Viện Địa chất-khoáng sản, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu giá trị đa dạng sinh học, từ đó sẽ lập các đề án bảo tồn các loài động, thực vật đặc hữu trên vùng vịnh. Đây là nhiệm vụ giai đoạn 2026-2030 rất trọng tâm Ban cần tham mưu cho tỉnh có cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện.

Thảm cỏ biển. Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long

Trong 30 năm qua, Ban Quản lý Vịnh đã thực hiện giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học của di sản theo Bộ tiêu chí giám sát tài nguyên đa dạng sinh học; giám sát các loài ưu tiên trên cạn; loài ngoại lai xâm hại; khảo sát, đánh giá hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn và bãi triều không có rừng ngập mặn khu vực Vịnh Hạ Long. Quá trình giám sát đã ghi nhận hiện trạng, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về tài nguyên, giá trị và đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long.

“Một trong những nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ di sản mà Ban Quản lý Vịnh thường xuyên triển khai, chính là đánh giá sức tải Vịnh Hạ Long để xác định các ngưỡng chịu tải trong đó có khả năng chịu tải của hệ sinh thái từ đó triển khai các giải pháp bảo vệ các hệ sinh thái từ tác động của các hoạt động kinh tế xã hội đặc biệt là các hoạt động du lịch trên vịnh“, ông Cường nói.

Di sản Vịnh Hạ Long là một trong những khu vực có sự đa dạng cao về các hệ sinh thái đặc thù của quần đảo đá vôi vùng nhiệt đới.

Không tận thu từ di sản

Từ khi được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới năm 1994, UNESCO đã từng nhiều lần đưa ra khuyến nghị về vấn đề bảo tồn Vịnh Hạ Long vào các năm từ 2003, 2004, 2006, 2007; 2009; 2011; 2013, 2014, 2021 và 2023 tập trung ở những nội dung về những mối đe dọa có khả năng ảnh hưởng tới giá trị nổi bật toàn cầu của di sản như: ngành công nghiệp khai thác than, xi măng, nước thải và chất thải, nuôi trồng thủy sản, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, công nghiệp hóa và đô thị hóa ở vùng đệm; các dự án phát triển kinh tế trọng điểm và các hoạt động đổ đất lấn biển tại các khu vực xung quanh khu di sản; tăng cường năng lực quản lý của Ban quản lý Vịnh Hạ Long; đưa ra các quy định quản lý du khách để hạn chế tác động từ khách du lịch ở các khu vực quan trọng nhằm giảm áp lực của du khách tới di sản; cung cấp bản đồ với chỉ thị rõ ràng về các ranh giới hiện tại và vùng đệm của khu di sản...

Tại Vịnh Hạ Long, du thuyền là hình thức du lịch truyền thống. Ảnh: TTXVN

Khoác lên mình vẻ đẹp tiên cảnh trên vùng vịnh rộng lớn hơn 400km2, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, việc quản lý tốt di sản 30 năm qua gặp rất nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên chính là trong việc bảo tồn đa dạng sinh học thiên nhiên vì địa phương chưa có đội ngũ có đầy đủ kinh nghiệm, trình độ và các phương tiện phục vụ việc thăm dò, khảo sát, đánh giá, tiến hành các dự án bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là điểm yếu mà ông Vũ Kiên Cường cho rằng cần phải sớm có giải pháp, có đề tài nghiên cứu kỹ lưỡng, xác thực để đề xuất biện pháp bảo tồn tính đa dạng sinh học trên vịnh.

Bên cạnh đó, Vịnh Hạ Long chịu áp lực từ quá trình đô thị hóa ven bờ và sự phát triển của du lịch, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường vịnh Hạ Long nói chung và môi trường sinh cư của các loài động, thực vật trên vịnh Hạ Long nói riêng. Sự tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu cũng ảnh hưởng đến giá trị đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long như nước biển dâng làm mất dần diện tích các bãi triều và hệ sinh thái rừng ngập mặn, nhiệt độ nước biển tăng làm suy giảm hệ sinh thái rạn san hô, thay đổi môi trường sống của các loài sinh vật, đặc biệt là nhóm nhuyễn thể 2 mảnh vỏ....

Vịnh Hạ Long nằm trong 24 điểm đến tốt nhất cho năm 2024. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Một thách thức nữa cũng đang là vấn đề lớn trong quản lý di sản, đó là việc Vịnh Hạ Long đã được mở rộng sang địa giới hành chính với Quần đảo Cát Bà, TP Hải Phòng. Đây là di sản liên tỉnh đầu tiên của cả nước nhưng các văn bản pháp luật về quản lý di sản liên tỉnh chưa được ban hành đầy đủ. “Hai địa phương chưa hiện có sự trùng khớp nhất quán trong công tác quản lý, cần phối hợp xây dựng quy chế quản lý di sản và kế hoạch quản lý di sản liên tỉnh, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quản lý di sản hiệu quả nhất”, ông Cường bày tỏ.

Nhìn lại 30 năm, việc vừa bảo tồn các giá trị di sản, vừa phát huy giá trị di sản, phục vụ sinh kế cộng đồng là bài toán luôn làm “cân não” với các nhà quản lý. Để bảo vệ di sản tốt nhất, tuân thủ Công ước của UNESCO và pháp luật về di sản, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long bảo vệ tuyệt đối khu vực vùng lõi (khu vực 1) của Vịnh Hạ Long. Với vùng đệm (khu vực 2), Hạ Long khuyến khích các dự án phát triển kinh tế-xã hội nhưng phải thường xuyên được đánh giá chặt chẽ, kiểm tra về mức độ tác động để dự án này không gây ra tác nhân làm ảnh hưởng tới giá trị cốt lõi của di sản.

Trước sự quá tải ở một số điểm tham quan tạo sức ép lên di sản, Ban Quản lý Vịnh đã xem xét, báo cáo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh có phương án đóng cửa một số tuyến tour. Với dư địa khoảng 80% tài nguyên di sản chưa thể khai thác hết, Ban Quản lý đã tiến hành khảo sát những điểm tham quan mới, trước mắt, tập trung vào điểm có giá trị đặc sắc hiện hữu để đề xuất đưa vào khai thác sớm.

Công viên Đá Xếp 350 triệu năm ở Vịnh Hạ Long. Ảnh: THÀNH ĐẠT

“Vịnh Hạ Long có khoảng 20 hang động, bãi cát hiện chưa có các hoạt động của du lịch tác động. Chúng tôi đang đề xuất UBND tỉnh cho phép thí điểm tham quan tại đây. Việc có thêm những sản phẩm du lịch mới, chúng ta vừa không để lãng phí tài nguyên, đồng thời giảm tải cho những điểm hiện đang khai thác có biểu hiện quá tải”, ông Cường chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Huyền Anh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, hiện Hạ Long còn nhiều điểm đến hoang sơ với những bãi tắm chưa được khai phá, là điểm đến thú vị với nhiều phân khúc khách cao cấp thích du lịch khám phá trong ngày. Đây cũng là một hướng đi để Hạ Long phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới, không làm tác động đến cảnh quan thiên nhiên.

“ Chúng tôi rất cầu thị trong việc mời các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đến hợp tác, tìm hiểu, tư vấn cho địa phương trong công tác bảo tồn, bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long.”
Bà Nguyễn Huyền Anh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh

Theo bà Huyền Anh, trong 30 năm qua, Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO vinh danh là minh chứng rõ nét nhất cho công tác bảo tồn di sản của Hạ Long rất tốt. “Chúng tôi rất cầu thị trong việc mời các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đến hợp tác, tìm hiểu, tư vấn cho địa phương trong công tác bảo tồn, bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long. Hạ Long vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, vì thế, chúng tôi mong muốn được Trung ương hoặc tổ chức quốc tế quan tâm, hỗ trợ chúng tôi để có những phương án bảo vệ di sản tốt hơn. Cơ quan quản lý cần sớm ban hành sửa đổi những quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn hiện nay và cần thúc đẩy áp dụng công nghệ mới trong quản lý”, bà Huyền Anh bày tỏ.

Để thực hành công tác bảo tồn di sản tốt hơn, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thiết lập và tăng cường duy trì, mở rộng mối quan hệ trực tiếp với các tổ chức thế giới, qua đó, nhiều hoạt động giao lưu với các nước trong và ngoài khu vực về kinh tế-văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực quản lý, bảo tồn di sản đã được triển khai, nhiều chương trình dự án được tài trợ thực hiện, từng bước đưa Vịnh Hạ Long hội nhập với các hoạt động quốc tế về bảo vệ di sản thế giới. Nhờ đó, chúng ta đã thu hút được nhiều dự án triển khai ở Vịnh Hạ Long liên quan đến các lĩnh vực: nghiên cứu, bảo tồn di sản; bảo vệ môi trường và giáo dục cộng đồng; nâng cao năng lực quản lý di sản.

Một bãi tắm trên Vịnh. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Ngoài ra, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long còn thường xuyên nhận được sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia IUCN, UNESCO trong quản lý di sản, đặc biệt là về lĩnh vực bảo vệ môi trường, đánh giá sức tải, quản lý du lịch bền vững. Tại một số nhiệm kỳ của Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới, lãnh đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long được bầu là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Vịnh Hạ Long trên thế giới.

Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020 đã hết hạn từ lâu. Vì thế, tỉnh Quảng Ninh đang gấp rút phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình quy hoạch Vịnh Hạ Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 để có cơ sở hành lang pháp lý cao nhất, triển khai các hoạt động bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị di sản.

Vịnh Hạ Long về đêm. Ảnh: baoquangninh.vn

Để phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, thời gian tới tỉnh Quảng Ninh tập trung nghiên cứu xây dựng bộ công cụ giám sát về tình trạng bảo tồn Di sản thế giới bảo đảm tính khả thi, trên cơ sở có sự tham khảo các bộ công cụ giám sát của UNESCO và các nước trên thế giới, phù hợp với thực tiễn quản lý và bối cảnh, điều kiện của địa phương; đồng thời, nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị của UNESCO về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

“Chúng tôi xác định bảo vệ di sản không chạy theo số lượng khách du lịch một cách đông đúc để khai thác quá mức, mà phải có đánh giá sức tải của di sản, để từ đó phân tuyến du lịch hiệu quả, không tạo áp lực lên di sản, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên hay những di chỉ khảo cổ.”
Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long Vũ Kiên Cường

Theo báo nhân dân