Những dòng chảy văn hóa, lịch sử trên Vịnh Hạ Long

Được biết đến là một thắng cảnh độc nhất vô nhị ở Việt Nam và trên thế giới, nhưng Vịnh Hạ Long còn là nơi ghi lại dấu ấn của những dòng chảy văn hóa, lịch sử được lưu giữ và truyền lại qua nhiều đời cư dân trên Vịnh.

Những dấu vết thời tiền sử

Vịnh Hạ Long và các khu vực xung quanh là nơi lưu giữ nhiều di tích khảo cổ học có giá trị, đặc biệt là di chỉ văn hóa Hạ Long, một trong những nền văn hóa cổ nhất của người Việt. Với những dấu tích có niên đại hàng chục nghìn năm đã được khai quật, phát lộ, Vịnh Hạ Long còn được ví như một bảo tàng khổng lồ, chứa đựng nhiều thông tin giá trị về lịch sử hình thành nên vùng đất này.

Những vỏ ốc suối có niên đại cách nay từ 18-7000 năm.

Vịnh Hạ Long gắn liền với Di chỉ Văn hóa Hạ Long, một trong những nền văn hóa khảo cổ học thuộc thời kỳ đồ đá mới (khoảng 3.000 – 5.000 năm trước), được phát hiện tại nhiều khu vực ở Vịnh, bao gồm các hang động, bãi cát và các đảo đá vôi. Những dấu tích của nền văn hóa này chứng minh rằng đây là khu vực sinh sống của các cộng đồng người tiền sử trong thời kỳ săn bắt, hái lượm và sau đó chuyển sang chế độ sản xuất nông nghiệp sơ khai.

Các giá trị tiêu biểu của văn hóa biển đảo Hạ Long nổi bật ở hệ thống các di tích khảo cổ đa dạng, được phân bố trong một không gian rộng trên 1553 km2 với tính chất văn hóa biển được thể hiện sâu sắc. Hiện đã thống kê được 26 di tích khảo cổ thuộc về 3 văn hoá khảo cổ nối tiếp nhau: Soi Nhụ, Cái Bèo, Hạ Long cách ngày nay từ 18.000 năm đến 3.500 năm, phân bố chủ yếu trong khu vực các đảo đá vôi thuộc vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, quần đảo Cát Bà. Các di tích điển hình như: động Mê Cung, Hang Trống, Hang Tiên Ông, Động Thiên Long, Hang Soi Nhụ, Hòn Đông Trong, di chỉ Hòn Hai - Cô Tiên, Hang Trinh Nữ, di chỉ Cái Bèo trên đảo Cát Bà, các di chỉ trên đảo Ngọc Vừng, Tuần Châu...

Tại một số di chỉ khảo cổ, đồng thời cũng là điểm du lịch nổi tiếng ở Vịnh Hạ Long như động Mê Cung, động Thiên Cung, hang Sửng Sốt, hang Tiên Ông, hang Trống, hang Trinh Nữ, hang Bồ Nâu, động Mê Cung, động Thiên Long …, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều công cụ đá, đồ gốm, xương động vật và vỏ sò. Các công cụ đá như dao, rìu, chày đá... cho thấy người cổ đại ở khu vực này đã có trình độ chế tác công cụ khá cao, phục vụ cho cuộc sống săn bắt, thu thập thực phẩm và các hoạt động đời sống khác.

Một hố khai quật khảo cổ tại động Tiên Ông.

Ngoài ra, hang Tiên Ông đang lưu giữ, bảo tồn những hố thám sát, hố khai quật khảo cổ với những trầm tích là vỏ ốc suối (Melania), ốc núi (Cyclophorus), là một trong những bằng chứng sinh động về phương thức cư trú, sinh sống trong hang động của người tiền sử Hạ Long thuộc văn hóa Soi Nhụ.

Ngoài ra, hang Tiên Ông đang lưu giữ, bảo tồn những hố thám sát, hố khai quật khảo cổ với những trầm tích là vỏ ốc suối (Melania), ốc núi (Cyclophorus), là một trong những bằng chứng sinh động về phương thức cư trú, sinh sống trong hang động của người tiền sử Hạ Long thuộc văn hóa Soi Nhụ.

Một số công cụ lao động - kết quả cuộc khai quật khảo cổ - được trưng bày tại động Tiên Ông.

Các nhà khoa học còn tìm thấy những chứng tích sinh hoạt về các loại đồ gốm, đặc biệt là các mảnh gốm có hoa văn tinh xảo, là một trong những chứng cứ quan trọng giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về đời sống và nghệ thuật của cư dân cổ đại. Những mảnh gốm này đã được tìm thấy trong các hang động như Động Thiên Cung và Động Sửng Sốt.

Ở Vịnh Hạ Long, động Thiên Cung không chỉ nổi tiếng với cảnh quan tuyệt đẹp mà còn là một trong những khu vực khảo cổ quan trọng của Vịnh Hạ Long. Tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nhiều di vật từ văn hóa Hạ Long, bao gồm các công cụ đá và mảnh gốm, cho thấy đây là một nơi cư trú của người tiền sử. Động Thiên Cung nằm trên một hòn đảo khá cao và dễ dàng quan sát xung quanh, cho thấy khả năng người cổ đại đã lựa chọn những nơi như vậy để cư trú nhằm tránh các nguy hiểm từ động vật hoang dã hay các nhóm người khác.

Tương tự như động Thiên Cung, hang Sửng Sốt cũng là một địa điểm khảo cổ quan trọng. Ở đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy những công cụ đá, xương động vật và các di vật liên quan đến đời sống người xưa. Ngay ngoài cửa động Mê Cung là dấu tích của nơi cư trú, cũng như các loại vỏ ốc… Các dấu vết này cung cấp thông tin về chế độ ăn uống, sinh hoạt, và những hoạt động săn bắn, hái lượm của người cổ đại.

Các công cụ và vật dụng được tìm thấy tại Vịnh Hạ Long chủ yếu là các công cụ đá, bao gồm dao đá, rìu đá… dùng để chặt cây, săn bắt và chế biến thức ăn; chày đá, cối đá… có thể được sử dụng để nghiền nát các loại hạt hoặc thức ăn.

Các công cụ còn gồm có dấu vết của đồ gốm thông qua những mảnh gốm tìm thấy trong các hang động và di chỉ khảo cổ, chứng tỏ người dân nơi đây đã biết chế tác đồ gốm từ rất sớm. Những mảnh gốm này thường có hoa văn tinh xảo, cho thấy trình độ sản xuất cao của cư dân cổ đại.

Một số di chỉ khảo cổ học ở Vịnh Hạ Long còn cho thấy người cổ đại tại đây có những hình thức chôn cất khá đặc biệt. Các nhà khảo cổ đã phát hiện những mộ táng cổ xưa, và nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người cổ đại ở khu vực này có những tín ngưỡng tâm linh nhất định, có thể liên quan đến các thần linh hoặc các yếu tố thiên nhiên như biển cả, núi rừng.

Dấu vết của ốc suối cách ngày nay hàng nghìn năm tại động Mê Cung.

Vịnh Hạ Long không chỉ nổi bật về cảnh quan thiên nhiên mà còn là một kho tàng về lịch sử, khảo cổ học và văn hóa. Từ những di chỉ, di vật được tìm thấy, các nhà khoa học đã nhận định vịnh Hạ Long là nơi cư trú của người Việt cổ có niên đại cách ngày nay từ 18.000 - 3.500 năm. Việc phát hiện các di chỉ khảo cổ học đã giúp các nhà nghiên cứu xây dựng một bức tranh hoàn chỉnh về quá trình phát triển của con người từ thời kỳ đồ đá đến những nền văn hóa sau này.

Các di chỉ khảo cổ học ở Vịnh Hạ Long không chỉ giúp làm sáng tỏ quá trình hình thành và phát triển của nền văn minh người Việt, mà còn đóng góp vào việc hiểu rõ hơn về quá trình định cư và sinh sống của các cộng đồng người tiền sử tại khu vực này. Chúng chứng minh rằng Vịnh Hạ Long là một khu vực cư trú lâu dài, nơi các nền văn hóa phát triển mạnh mẽ trong lịch sử sơ khai của dân tộc Việt.

Ngoài ra, việc bảo tồn các di chỉ khảo cổ học này cũng góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa của đất nước, đồng thời phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và du lịch học.

Văn hóa biển đảo từ thời dựng nước – giữ nước

Theo GS Nguyễn Văn Kim (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), quá trình hình thành, định diện bản sắc, bản lĩnh văn hóa Hạ Long - biển đảo Đông Bắc không thể không nói đến vương triều Lý và vai trò nổi bật, tiêu biểu của Lý Anh Tông, đức vua anh minh có công khai mở Thương cảng quốc tế Vân Đồn năm 1149, thương cảng ngoại dịch đầu tiên của Việt Nam thời cổ đại. Đây chính là quyết định lịch sử, thể hiện bản lĩnh văn hóa chính trị của một triều đại. Ngày nay những dấu tích về những bến thuyền cổ còn tìm thấy khá dày đặc, phong phú tại các khu vực đảo Cống Đông, Cống Tây, Vân Hải, Quan Lạn… đã chứng minh một giai đoạn lịch sử giao thương phát triển phồn thịnh của Việt Nam.

Thương cảng cổ ở vịnh Hạ Long. (Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh)

Nhà Lý đã mở trang Vân Đồn, thành lập một thương cảng quốc tế, đầu mối, trung tâm kinh tế đối ngoại của quốc gia Đại Việt trước một đế chế Tống hùng mạnh. Để bảo vệ, khẳng định chủ quyền ở vùng biển đảo Đông Bắc, vua Lý Anh Tông từng hai lần đích thân tuần du (năm 1171 và 1172) vùng biển đảo Đông Bắc. Ông đã sai vẽ bản đồ địa giới đồng thời “Xem khắp hình thế núi sông, muốn biết dân tình đau khổ và đường đi xa gần thế nào”…

Có thể khẳng định, trong lịch sử Việt Nam, Lý Anh Tông là người có ý thức sớm và rất mạnh mẽ, sâu sắc về chủ quyền biển đảo. Đức vua là người đầu tiên đề ra các quyết sách, chủ trương quan trọng về biển đảo, đồng thời cũng là người triển khai trên thực tế công cuộc khai thác, xác lập chủ quyền và bảo vệ chủ quyền trên biển của đất nước ta.

Đến thời Trần (1226-1400), trong tầm nhìn hướng về vùng Đông Bắc, 62 năm sau khi cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ ba kết thúc, vua Trần Dụ Tông đã cho nâng tầm hành chính của Vân Đồn (vịnh Bái Tử Long - Hạ Long) từ trang thành trấn (1349), đồng thời cho đặt Quan trấn, Quan lộ, Sát hải sứ và Bình hải quân để trông coi, trấn giữ vùng biên giới, biển đảo.

Chùa Hoa Yên, Yên Tử.

Nhà Trần đã dựa vào Phật giáo để chuẩn bị kháng chiến và thực tế đã tổ chức thành công các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. Những người anh hùng của ba cuộc kháng chiến đã cho lập một trung tâm Phật giáo lớn ở vùng núi cao Yên Tử để thể hiện hào khí, kết tụ dân tộc, đồng thời qua đó mở kênh tiếp giao, đối thoại văn hóa với các nền văn hóa khu vực. Từ tầm nhìn Thăng Long và từ vùng núi Yên Tử, nhà Trần đã cho xây dựng một không gian văn hóa, không gian thiêng ở vùng Đông Bắc dựa vào trí tuệ, triết lý khoan dung, nhân ái của Phật giáo.

GS Nguyễn Văn Kim phân tích, sự hiện diện của các di tích Phật giáo ở Quảng Ninh, vùng duyên hải và trên các đảo như Cống Đông - Cống Tây (xã Thắng Lợi): Chùa Lấm, chùa Hộ, chùa Cát, chùa Trong, chùa vụng Cây Quéo… cho thấy rõ điều đó. Sự hiện diện của các ngôi chùa Phật giáo ở vùng biển Vân Đồn không chỉ cho thấy nhu cầu tâm linh của cư dân vùng biển đảo, những người đi biển (vận tải biển, giao thương, đánh cá…), mà hẳn là các triều đại Lý, Trần còn muốn khẳng định chủ quyền, dấu ấn văn hóa dân tộc ở vùng biển đảo Đông Bắc.

Thái Miếu nhà Trần ở Đông Triều.

Với việc thiết lập một hệ thống chùa tháp ở vùng biển đảo Đông Bắc, những người đứng đầu chính quyền Thăng Long đã thu được nhiều thành công trong chiến lược thiết lập, mở rộng quan hệ kinh tế, giao lưu văn hóa với các nền kinh tế, văn hóa Đông Bắc Á, Đông Nam Á và cả thế giới Tây Nam Á. Điều đó lý giải vì sao thương cảng Vân Đồn lại có thể duy trì vị trí của một trung tâm kinh tế đối ngoại, bang giao trong suốt 7 thế kỷ.

GS Nguyễn Văn Kim cũng cho biết, cùng với các di sản văn hóa vật thể, với dấu tích của các bến bãi, thương cảng; các địa danh gắn với các đơn vị quản lý hành chính; hệ thống đình, chùa, đền, miếu… trong kho tàng văn hóa của của cư dân vùng biển đảo Hạ Long - Đông Bắc còn có nhiều huyền thoại, truyền thuyết về thời lập quốc. Qua những huyền thoại đó, biển đã hiển hiện lên như một bộ phận hợp thành của lịch sử, văn hoá dân tộc. Biển là nơi khởi nguồn của sự sống đồng thời cũng là môi trường sống, nơi trở về của nhiều nhân vật huyền thoại như: Lạc Long Quân, Thủy Tinh, Chử Đồng Tử - Tiên Dung, An Dương Vương...

 

Nơi lưu giữ dấu tích của những cuộc chiến chống ngoại xâm

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, vịnh Hạ Long còn là nơi ghi dấu những chiến công hào hùng của dân tộc từ thế kỷ X đến thế kỷ XX, đó là: Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán (năm 938), Lê Hoàn đánh thắng quân Tống (năm 981), Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên Mông (năm 1288).

Núi Bài Thơ lịch sử, nơi lưu lại bài thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông hoàng đế khắc trên đá từ năm 1468, nhân chuyến tuần du vùng biển phía Đông; và bút tích của chúa Trịnh Cương năm 1729.

Bãi Cháy phía bờ Tây của Vịnh, tương truyền gắn với sự tích những chiến thuyền chở lương thực của quân Nguyên - Mông bị quân dân nhà Trần do Trần Khánh Dư chỉ huy đốt cháy, dạt vào làm cháy cả cánh rừng trong khu vực.

Trên Vịnh còn có hang Đầu Gỗ, nơi còn vết tích hiện vật là những cây cọc gỗ được Trần Hưng Đạo cho đem giấu trước khi đóng xuống lòng sông Bạch Đằng, và cách Vịnh không xa là cửa sông Bạch Đằng, chứng tích của hai trận thủy chiến trong lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vùng Vịnh Hạ Long cũng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại.

Trên Vịnh Hạ Long, ngày 24/3/1946, Bác Hồ đã gặp đại diện chính quyền Pháp ở Đông Dương để bàn bạc việc ký hòa ước chính thức thay cho Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946, thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Người khi vận mệnh Tổ quốc “ngàn cân treo sợi tóc".

Ngày 5/8/1964, Vịnh Hạ Long chứng kiến chiến công đầu tiên của quân và dân miền Bắc, bắn rơi 2 máy bay và bắt sống tên giặc lái đẩu tiên của Mỹ trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh leo thang đánh phá miền bắc XHCN của đế quốc Mỹ.

Vịnh Hạ Long còn là nơi ghi dấu biết bao chiến công, cùng sự hy sinh anh dũng, thầm lặng của các chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam trong những năm chống Mỹ. Những địa điểm tập kết, xuất phát trên Vịnh của các "con tàu không số" chi viện cho quân dân miền nam đánh giặc.

Những căn cứ chiến lược trên Vịnh, như động Hang Quan (khu vực cống Tây), là quân cảng bí mật một thời của hải quân ta, nơi xuất phát con tàu phóng ngư lôi đánh tàu Maddox (Mỹ) ngày 3/8/1964...

 

Những di tích thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên Vịnh

Hang Đúc Tiền. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Hang Đúc Tiền: nằm ở phía Đông Nam đảo Vạn Gió (trên bản đồ có ký hiệu là hòn 376, dân gian gọi là núi Cánh Quít). Đây là căn cứ của nghĩa quân Đề Hồng, Cai Thái, nghĩa quân lập xưởng đúc súng, đúc tiền để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ngày 1/5/1930, lá cờ đỏ búa liềm tung bay phấp phới trên đỉnh núi Bài Thơ, đánh dấu một giai đoạn mới của phong trào đấu tranh cách mạng - của giai cấp công nhân vùng mỏ, góp phần đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp.

Ngày 24/3/1946, Hồ Chủ tịch hội đàm với cao ủy Pháp Georges Thierry d'Argenlieu trên chiến hạm Emile Bertin trên vịnh Hạ Long.

Vào đầu những năm 60, những chuyến tàu không số xuất phát từ khu vực Hạ Long tiến vào miền nam mang theo vũ khí, đạn dược…. góp phần vào chiến thắng vẻ vang của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển).

Vịnh Hạ Long chứng kiến lần tập kích và thất bại đầu tiên bằng không quân của không lực Hoa Kỳ khi chúng mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc ngày 5.8.1964 cùng với sự kiện bắt sống Everett Alvarez, phi công đầu tiên bị bắt.

Các di tích lịch sử và văn hoá tiêu biểu ở Hạ Long qua các thời kỳ

Không chỉ đẹp tuyệt mỹ về cảnh quan, Hạ Long còn là nơi lưu giữ những chứng tích về những dòng chảy lịch sử qua nhiều thời kỳ, vừa có giá trị trong nghiên cứu, học tập, đồng thời còn cho thế hệ sau thấy được lịch sử và truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông đã được lưu truyền và gìn giữ như thế nào.
Những giá trị ấy không chỉ tồn tại ở mọi nơi trên Vịnh Hạ Long, mà còn được lưu truyền và bảo tồn trong đời sống cộng đồng ở vùng Vịnh qua nhiều đời nay.

Theo báo nhân dân