Giá trị Văn hóa - Lịch sử
Khu vực vịnh Hạ Long là một trong những cái nôi cư trú của người Việt cổ
Khu vực vịnh Hạ Long là một trong những cái nôi cư trú của người Việt cổ
Dựa vào các tài liệu khảo cổ học, thì dấu tích sớm nhất của con người có mặt trong khu vực vịnh Hạ Long thuộc về chủ nhân nền văn hóa Soi Nhụ. Kế tiếp là chủ nhân văn hoá Cái Bèo với mối liên hệ với biển đầu tiên và sau cùng là văn hoá Hạ Long. Văn hoá Hạ Long là một nền văn hoá có vai trò rất quan trọng trong nền văn minh Việt cổ, đánh dấu sự tiếp xúc khá phổ biến của cư dân Việt cổ với nền kinh tế biển, tạo ra nền văn hóa biển đặc sắc ở Việt Nam.
Văn hóa Soi Nhụ: Có niên đại cách ngày nay 18.000 – 7.000 năm. Cư dân thời kỳ này cư trú chủ yếu trên các đảo đá vôi thuộc vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và các hang động ven bờ. Phương thức kiếm sống của họ là săn bắt, hái lượm và khai thác nhuyễn thể nước ngọt với công cụ lao động được chế tác bằng đá có hình dáng không ổn định, kỹ thuật chế tác đơn giản bằng phương pháp ghè đẽo một mặt, phương pháp chặt bẻ và rất ít tu sửa.
Di chỉ khảo cổ hang Soi Nhụ, nơi được phát hiện có dấu tích của người Việt cổ cách đây 14.000 năm
Di chỉ khảo cổ hang Tiên Ông
Văn hóa Cái Bèo: Có niên đại cách ngày nay 7000 - 5000 năm. Cư dân thời kỳ này cư trú chủ yếu trên bờ vũng vịnh kín gió, tựa lưng vào núi, mà chủ yếu là núi đá vôi. Độ cao của các di chỉ này so với mực nước biển hiện tại vào khoảng 2-6m. Phương thức kiếm sống của họ trước hết là định hướng khai thác biển ven bờ và sau đó là kết hợp với các phương thức kiếm sống truyền thống như săn bắt thú rừng, thu lượm rau củ, hoa quả trong thiên nhiên. Công cụ lao động rất đơn giản, chủ yếu là các công cụ mũi nhọn. Kỹ thuật ghè đẽo chủ yếu là ghè một mặt và có thể ghè những nhát cách quãng ở mặt đối diện để tạo rìa lưỡi. Gốm Cái Bèo ở giai đoạn đầu thì thô, dày, nặng và loại hình đơn giản. Giai đoạn sau là gốm mịn, văn thừng, loại hình phong phú hơn. Gốm xốp bắt đầu xuất hiện với số lượng ít thể hiện bước phát triển mạnh mẽ của người tiền sử.
Di chỉ khảo cổ Cái Bèo
Văn hóa Hạ Long: có niên đại 4500 - 3500 năm cách ngày nay và được chia ra làm 2 giai đoạn: sớm và muộn.
Giai đoạn sớm: Do biển tiến Holoxen trung (khoảng 6000 - 5000 năm trước), đợt biển tiến này làm mất đi môi trường sống quen thuộc của cư dân văn hoá Cái Bèo, khiến cho một bộ phận cư dân phải di chuyển lên phía Đông Bắc và những vùng đất cao hơn, tại đây, họ tạo nên giai đoạn sớm của văn hóa Hạ Long. Phương thức kiếm sống của cư dân giai đoạn này chủ yếu là săn bắt, hái lượm, canh tác, trồng cây lấy sợi, rau củ quả, tăng cường khai thác biển.
Giai đoạn muộn: Do mực nước biển dâng cực đại rồi sau đó rút dần (trong khoảng 4000 - 3000 năm trước). Khi biển lùi, các cư dân văn hóa Hạ Long giai đoạn sớm có sự chuyển cư ngược lại. Theo nước thủy triều, họ tiến dần ra biển. Địa bàn cư trú của cư dân văn hóa giai đoạn muộn tương đối phong phú, bao gồm: hang động, chân núi ven biển, doi cát, các bậc thềm và mặt đồng bằng cổ. Phương thức kiếm sống của cư dân văn hóa Hạ Long giai đoạn muộn đã cơ bản gắn với môi trường biển cả, kết hợp duy trì phương thức kiếm sống trên cạn. Công cụ lao động chủ yếu bằng đá, loại hình độc đáo, thể hiện kỹ thuật chế tác ở trình độ cao. Thời kỳ này phát triển nghề thủ công làm gốm với sự trợ giúp của kỹ thuật bàn xoay, hoa văn trang trí chủ yếu là văn thừng, các dải hoa văn đắp nổi, văn khắc vạch, gắn đắp chân đế. Đồ gốm phát triển mạnh mẽ, nhiều loại hoa văn trang trí tạo ra đặc trưng riêng của văn hóa Hạ Long.
Di chỉ khảo cổ hang Trinh nữ
Hiện nay, trên vịnh Hạ Long có một số hang động đang lưu giữ các vết tích văn hóa của người tiền sử như là: hang Tiên Ông, hang Trống, hang Trinh Nữ, hang Bồ Nâu, động Mê Cung, động Thiên Long …Ngoài ra, hang Tiên Ông đang lưu giữ, bảo tồn những hố thám sát, hố khai quật khảo cổ với những trầm tích là vỏ ốc suối (Melania), ốc núi (Cyclophorus), là một trong những bằng chứng sinh động về phương thức cư trú, sinh sống trong hang động của người tiền sử Hạ Long thuộc văn hóa Soi Nhụ.
Khu vực vịnh Hạ Long là nơi ghi dấu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc trong các thời đại quân chủ Phong kiến
Với vị trí chiến lược quan trọng, ngay từ thế kỷ XII (năm 1149) dưới triều vua Lý Anh Tông, trong khu vực vịnh Hạ Long, thương cảng Vân Đồn đã được thành lập. Đây không chỉ là một bến cảng mà là một hệ thống gồm nhiều bến thuyền thương mại trên các đảo quây quần trên vùng vịnh Bái Tử Long. Ngày nay những dấu tích về những bến thuyền cổ còn tìm thấy khá dày đặc, phong phú tại các khu vực đảo Cống Đông, Cống Tây, Vân Hải, Quan Lạn…Hàng vạn mảnh gốm sứ đặc trưng cho các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Mạc cùng nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật . Bên cạnh những dấu tích đồ sộ của các thuyền cổ ngày nay chúng ta còn phát hiện nhiều dấu tích của các công trình văn hóa như : đình, chùa, đền, miếu, tháp: chùa Lấm, chùa Trong, chùa Cát và cụm di tích đình, đền, chùa Quan Lạn.
Bức tranh thương cảng cổ lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh
Vân Đồn ngày nay
Đình Quan Lạn tại đảo Quan Lạn, Huyện Vân Đồn
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, vịnh Hạ Long còn là nơi ghi dấu những chiến công hào hùng của dân tộc từ thế kỷ X đến thế kỷ XX, đó là: Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán (năm 938), Lê Hoàn đánh thắng quân Tống (năm 981), Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên Mông (năm 1288). Hiện nay, khu vực vịnh Hạ Long còn có nhiều di tích lịch sử và di chỉ văn hoá như: Đình Quan Lạn, chùa Lấm, đền Bà Men... Đặc biệt người dân vùng biển Hạ Long vẫn lưu giữ được những nét văn hoá truyền thống độc đáo, phong phú từ bao đời. Nó được thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ, lễ hội, kinh nghiệm, phản ánh tâm tư, tình cảm được truyền từ đời này qua đời khác.
Rước tượng Đức thánh Trần trong lễ hội Bạch Đằng tại TX Quảng Yên
Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn
Lễ hội đền Bà Men
Đó là các giá trị văn hoá phi vật thể mang đặc trưng của vùng biển như: Hò, vè, hát đám cưới, hát giao duyên, hò biển và nhiều lễ tục truyền thống như: lễ giở mũi thuyền, tục trồng cây Nêu….Những giá trị văn hoá này hiện vẫn là một “cửa ngỏ”, một “mảnh đất đầy hứa hẹn” cho các nhà nghiên cứu, những người yêu quý, tôn vinh truyền thống văn hoá dân tộc
Khu vực vịnh Hạ Long là nơi ghi dấu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc trong trong thời lịch sử cận, hiện đại
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp:
+ Hang Đúc Tiền: nằm ở phía Đông Nam đảo Vạn Gió (trên bản đồ có ký hiệu là hòn 376, dân gian gọi là núi Cánh Quít). Đây là căn cứ của nghĩa quân Đề Hồng, Cai Thái, nghĩa quân lập xưởng đúc súng, đúc tiền để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
+ Ngày 1.5.1930, lá cờ đỏ búa liềm tung bay phấp phới trên đỉnh núi Bài Thơ, đánh dấu một giai đoạn mới của phong trào đấu tranh cách mạng - của giai cấp công nhân vùng mỏ, góp phần đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp.
+ Ngày 24.3.1946, Hồ Chủ Tịch hội đàm với cao uỷ Pháp Đác-Giăng-Liơ trên chiến hạm Emin-bec-tanh trên vịnh Hạ Long.
Hang Đúc Tiền
Quân Pháp rút khỏi khu mỏ tại Bến Phà Bãi Cháy ngày 24/4/1955
+ Vào đầu những năm 60 của thế kỷ 20, những chuyến tàu không số xuất phát từ khu vực Hạ Long tiến vào Miền Nam mang theo vũ khí, đạn dược…. góp phần vào chiến thắng vẻ vang của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển).Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ:
+ Vịnh Hạ Long chứng kiến lần tập kích và thất bại đầu tiên bằng không quân của không lực Hoa Kỳ khi chúng mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc ngày 5.8.1964 cùng với sự kiện bắt sống tên giặc lái Mỹ đầu tiên: phi công An-Va-Ret.
Phân đội tàu trong chiến thắng đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam
Phòng Ngiệp vụ Nghiên cứu