Bảo vệ môi trường trên vịnh Hạ Long – hành trình không ngừng nghỉ
Vịnh Hạ Long đã 3 lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Để đạt được danh hiệu danh giá này, tỉnh Quảng Ninh đã rất nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy bền vững Di sản, nhất là gìn giữ môi trường Vịnh trong bối cảnh không ít khó khăn, thách thức.
Sức ép “đa chiều”
Vịnh Hạ Long là Di sản biển đặc thù với gần 2.000 đảo đá, địa bàn trải rộng với diện tích 1.553km2. Khu vực ven bờ Vịnh tiếp giáp với nhiều địa phương có tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ. Trên Vịnh là nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế - xã hội phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như: du lịch; nuôi trồng, khai thác thuỷ sản; giao thông cảng biển… Những điều này đã tạo ra nhiều sức ép “đa chiều” đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị của Di sản. Một trong những vấn nạn tác động trực tiếp đến môi trường Vịnh là rác và nước thải.
Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm vịnh Hạ Long phải chịu tác động của hơn 200 tấn rác thải. Lượng rác thải này chủ yếu do các cơ sở kinh doanh du lịch, các thuyền đánh bắt cá xả rác bừa bãi, thậm chí là của một bộ phận du khách thiếu ý thức và rác trôi dạt ra biển do người dân sinh sống ở khu vực ven biển xả ra. Nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế cũng từng than phiền về tình trạng rác thải trôi trên mặt Vịnh.
Mặt khác, bên cạnh thuận lợi là nằm ở địa phương thủ phủ của tỉnh thì với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, các dự án san lấp mặt bằng để xây dựng các công trình đô thị mới ở thành phố Hạ Long cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, khu vực ven bờ vịnh Hạ Long (gồm cả vịnh Hạ Long và Bái Tử Long) là khu vực có mật độ dân cư cao gồm các khu dân cư chính là thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, huyện Vân Đồn và thị xã Quảng Yên, nhưng hệ thống xử lý nước thải của những địa phương này đều không đáp ứng được yêu cầu, phần lớn nước thải tại các khu dân cư nói trên đang đổ trực tiếp ra vịnh Hạ Long mà không qua xử lý.
Còn nhớ năm 2016, vịnh Hạ Long đã từng bị UNESCO “thổi còi” khi tỉnh xây dựng một số khu công nghiệp, trong đó có nhà máy xi măng. Ông Nguyễn Công Thái, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, chúng tôi đã phải báo cáo, giải trình rõ về việc khu vực nhà máy xi măng đặt sâu trong nội địa, xa vùng đệm Di sản không ảnh hưởng lớn đến Di sản. Tuy nhiên, các chuyên gia UNESCO khi đó cũng cảnh báo về việc xây dựng hạ tầng cơ sở ven bờ Vịnh và hoạt động của các nhà máy xi măng trong thời gian dài.
Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng (thuộc Công ty Tuyển Than Hòn Gai) được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 1995, trên địa bàn phường Hồng Hà (thành phố Hạ Long) đã chính thức dừng hoạt động từ 1/1/2019.
Đáng chú ý là trong khu vực vịnh Hạ Long và xung quanh Vịnh có nhiều hoạt động công nghiệp với nhiều ngành nghề như: Than, kinh doanh xăng dầu, cảng biển, cơ khí, đóng tàu, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, các khu công nghiệp và dịch vụ, nhà máy xi măng, nhiệt điện... Các hoạt động công nghiệp này đặc biệt là các hoạt động xả thải cũng mang lại những tác động xấu đến môi trường vịnh Hạ Long.
Cùng với đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch, không được cấp phép, sử dụng vật liệu nổi là phao xốp cũng làm cho vịnh Hạ Long gặp không ít sự cố về môi trường khi phát tán lượng lớn rác thải, phao xốp trên Vịnh. Những sự cố này đã bị nhiều cơ quan báo chí, khách du lịch trong và ngoài nước, Cục Di sản văn hóa phản ánh, làm ảnh hưởng tới cảnh quan, uy tín di sản. Năm 2013, Hạ Long trải qua cuộc kiểm tra thực địa của chuyên gia Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Cơ quan chuyên môn chuyên rà soát di sản UNESCO này đã đưa 7 khuyến nghị về tình trạng bảo tồn cho vịnh Hạ Long.
Tháng 8/2024, gần 1.400 du khách của tỷ phú Ấn Độ đã tham quan vịnh Hạ Long.
Trước những sức ép “đa chiều” đối với vịnh Hạ Long, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), nhận định: Bảo vệ môi trường thực sự là thách thức lớn nhất ở các khu, điểm du lịch, đặc biệt là các khu, điểm du lịch đông khách như Hạ Long. Cho dù sở hữu nhiều giá trị nổi bật toàn cầu, không nơi nào có được, nhưng để Di sản vịnh Hạ Long có thể thực sự là “điểm chạm” cho những cảm xúc đẹp, cho những lần trở lại của bước chân du khách thì tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long có rất nhiều việc cần làm, từ cơ chế chính sách đến đầu tư nguồn lực, hướng dẫn cụ thể và có gắn trách nhiệm cho từng đơn vị, địa phương.
Để vịnh Hạ Long mãi xanh
Nhận diện những sức ép nói trên, tỉnh Quảng Ninh xác định phải thiết lập được một hệ thống quản lý toàn diện và có những chiến lược căn cơ hơn, không để cho những yếu tố gây ô nhiễm môi trường tác động lên Di sản, tránh việc đánh đổi giữa bảo tồn với phát triển du lịch. Thông qua những cuộc hội thảo khoa học, những đánh giá mang tính chuyên sâu, qua các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm trên thế giới, một loạt giải pháp mang tính chất tiên phong, đột phá trong công tác bảo vệ môi trường đã được tỉnh triển khai rốt ráo. Trong đó là câu chuyện di dời các hộ dân làng chài trên Vịnh lên bờ sinh sống từ năm 2014 nhưng vẫn bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi cho người dân; tổ chức cấm đánh bắt thủy sản trong vùng bảo vệ tuyệt đối khu di sản từ năm 2018, các trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định; triển khai lập các điểm quy hoạch nuôi trồng thủy sản nằm ngoài khu vực bảo vệ tuyệt đối di sản.
Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường di sản luôn được tỉnh ưu tiên hàng đầu với nhiều nỗ lực nhằm cải thiện, bảo đảm môi trường vịnh Hạ Long và tạo ra những đột phá mới. Qua đó thu hút được nhiều dự án về bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long như: Dự án Tăng trưởng xanh, dự án bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long do tổ chức JICA tài trợ....
Mặt khác, để kiểm soát ô nhiễm từ nguồn, nhất là nguồn thải từ ven bờ, khu vực giáp ranh và các hoạt động khai thác, vận chuyển than, tỉnh cũng đã kiên quyết di chuyển các hoạt động vận chuyển, bốc rót than, clinker, đá vôi trên vịnh Hạ Long; di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực vùng đệm (nhà máy sàng tuyển than, các cảng than); tiến tới đóng cửa toàn bộ các mỏ khai thác đá, vật liệu xây dựng thông thường trong năm 2025 và tiến hành các giải pháp cải thiện môi trường.
Trong mọi chiến lược phát triển, dù ở giai đoạn nào tỉnh cũng xác định không phát sinh cơ sở công nghiệp mới; không cấp phép hoạt động các nhà máy có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường Vịnh. Đồng thời, để bảo đảm nguồn nước không bị ô nhiễm, các phao xốp được yêu cầu thay thế bằng các vật liệu nổi bền vững tại các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản; thực hiện quan trắc, giám sát định kỳ hàng quý hiện trạng môi trường nước tại 41 điểm quan trắc trên Vịnh; đầu tư lắp đặt và vận hành 2 trạm quan trắc môi trường nước thải ven bờ tự động; tăng cường vai trò, trách nhiệm kiểm tra, giám sát và sự phối hợp giữa các địa phương, các ngành trong việc kiểm soát nguồn thải. Hầu hết các khu công nghiệp đều có hệ thống thu gom, xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện Dự án thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt TP Hạ Long, đầu tư nâng cấp các hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các địa phương ven bờ Vịnh Hạ Long từng bước nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải khu đô thị tập trung ven bờ (Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên) hiện tại đạt gần 60%, phấn đấu đến năm 2025 đạt 65%
Liên quan đến hoạt động của các tàu du lịch, tỉnh cũng yêu cầu lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước, các tàu du lịch đóng mới trên vịnh Hạ Long đều có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn; triển khai dự án xử lý, giảm thiểu ô nhiễm nước thải tại các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long sử dụng công nghệ Jokaso, Uniship. Năm 2018, Hạ Long áp dụng Bộ tiêu chí Nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh” cho tàu du lịch trên vịnh để khuyến khích các tàu du lịch tuân thủ các tiêu chí về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tiếp đó, từ ngày 1/9/2019, chương trình “vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” cũng đã chính thức được triển khai. Theo đó, các tàu và du khách khi tham quan trên Vịnh không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần.
Ông Koichiro Matsuura, Nguyên Tổng giám đốc của UNESCO đã từng nói: "Nếu không có sự hiểu biết và ủng hộ của công chúng, không có sự tôn trọng và chăm sóc hàng ngày của cộng đồng địa phương, những người thực sự gìn giữ Di sản thế giới thì sẽ không có một nguồn quỹ hay một đoàn chuyên gia nào đủ để bảo vệ các di sản”. Theo đó, từ năm học 2000-2001, tỉnh đã đưa chương trình giáo dục bảo vệ Di sản vào trường học, được đánh giá tốt và mở rộng triển khai mở rộng ra tất cả các trường học tại các địa phương; tổ chức thành công mô hình giáo dục con thuyền sinh thái Ecoboat - một hoạt động ngoại khóa về bảo vệ môi trường trên vịnh Hạ Long với phương châm chơi mà học, học mà chơi từ năm 2005; xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn giáo dục bảo vệ môi trường sinh thái vịnh; phát triển mạng lưới cộng tác viên bảo vệ Di sản; tổ chức ngày chủ nhật xanh, ra quân dọn vệ sinh môi trường, giáo dục môi trường thực tế trên vịnh…
Đến nay, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ Di sản vẫn luôn được tỉnh triển khai liên tục, phổ cập cho nhiều đối tượng, từ học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế cho đến dân cư khu vực ven bờ, khách du lịch, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh tế-xã hội trên Vịnh... gắn với các hoạt động giáo dục, ngoại khóa, thực tế về bảo vệ cảnh quan, môi trường, giá trị Di sản. Nhờ đó, nhận thức và sự tham gia của cộng đồng về bảo vệ, giữ gìn di sản đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến nay, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ Di sản vẫn luôn được tỉnh triển khai liên tục, phổ cập cho nhiều đối tượng, từ học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế cho đến dân cư khu vực ven bờ, khách du lịch, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh tế-xã hội trên Vịnh... gắn với các hoạt động giáo dục, ngoại khóa, thực tế về bảo vệ cảnh quan, môi trường, giá trị Di sản. Nhờ đó, nhận thức và sự tham gia của cộng đồng về bảo vệ, giữ gìn di sản đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Những nỗ lực không ngừng nói trên đã giúp cho môi trường trên vịnh Hạ Long ngày càng có nhiều chuyển biến. Tại kỳ họp lần thứ 45 (tháng 9/2023), Ủy ban Di sản thế giới UNESCO cũng đã ghi nhận và đánh giá cao các biện pháp quản lý chất thải đa dạng của vịnh Hạ Long, bao gồm: điều tiết, xử lý nước thải trên tàu du lịch, đóng cửa mỏ than lộ thiên lớn nhất tại khu vực Hạ Long, thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế xanh và bảo đảm chất lượng nước nằm trong giới hạn tiêu chuẩn quốc gia. Trong suốt 30 năm qua (từ năm 1994 đến hết tháng 11/2024), vịnh Hạ Long đã đón tiếp trên 56 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 26 triệu lượt khách trong nước, trên 30 triệu lượt khách nước ngoài, thu phí tham quan đạt trên 8.500 tỷ đồng. Điều này cho thấy sức hút và công tác phát huy giá trị, bảo vệ môi trường ngày càng có hiệu quả.
Ông Vũ Kiên Cường, Giám đốc Ban Quản lý vịnh Hạ Long khẳng định: Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long có vị trí, vai trò rất quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh. Trong sự nghiệp quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững Di sản Thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý Di sản luôn xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và được đặt lên hàng đầu. Trong thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục giữ mối quan hệ mật thiết với các tổ chức quốc tế (Trung tâm Di sản thế giới, Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Mạng lưới các nhà quản lý Di sản thế giới biển, Văn phòng UNESCO Hà Nội...) và các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế để trao đổi, đề xuất hỗ trợ kinh nghiệm, tài chính, kỹ thuật phục vụ quản lý di sản, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững và đào tạo, nâng cao năng lực quản lý di sản. Đồng thời sẽ nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, mỗi người dân và khách du lịch trong bảo vệ môi trường.
Hải Hà (Theo Báo Quảng Ninh điện tử)