Giá trị Thẩm mỹ - vẻ đẹp nổi bật toàn cầu đã ghi danh vịnh Hạ Long vào danh mục Di sản thiên nhiên thế giới

Tròn 30 năm kể từ ngày vịnh Hạ Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. 

 Lễ đón bằng công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới năm 1994 (ảnh tư liệu Ban Quản lý vịnh Hạ Long)

 

 

Đó là ngày 17/12/1994,  tại kỳ họp thứ 18 ở Phuket, Thái Lan, Ủy ban Di sản Thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long vào danh mục Di sản Thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mỹ theo tiêu chí (vii) của Công ước Quốc tế về bảo vệ di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới. Lần vinh danh đầu tiên đã đưa một Di tích danh thắng cấp quốc gia vươn ra tầm quốc tế, dù rằng cảnh đẹp nơi này đã được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế biết đến. Lần “khoác” lên vương miện cao quý này đã thực sự khẳng định vịnh Hạ Long xứng tầm quốc tế. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với cả nước, bởi vịnh Hạ Long không chỉ còn là của tỉnh Quảng Ninh, của Việt Nam mà còn là của toàn nhân loại khi nó trở thành Di sản thế giới.

Các đảo đá trên vịnh Hạ Long chỗ quần tụ, xúm xít, chỗ xen kẽ, chỗ tách ra gãy khúc nhấp nhô…(ảnh Việt Linh)

 

Nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, vịnh Hạ Long có diện tích 1.553 km2, bao gồm 1.969 hòn đảo (trong đó 980 hòn đảo đã có tên). Khu Di sản thế giới được UNESCO công nhận có diện tích 434 km2, bao gồm 775 hòn đảo, trong đó có 411 hòn đảo đã được đặt tên. Đây là nơi tập trung rất nhiều đảo đá, hang động và bãi tắm đẹp nổi tiếng. Các đảo này đều không có người sinh sống và không bị tác động bởi con người, có vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với vô số tháp đá vôi, là một mẫu hình tuyệt vời về karst trưởng thành trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm.

Rồng hạ  (ảnh Bùi Thanh Long)

         

Cảnh đẹp của vịnh Hạ Long là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh sắc, mây trời, non nước, cây cỏ… với sự tạo dáng muôn hình vạn trạng của các đảo đá. Đó thực sự là một tác phẩm nghệ thuật tạo hình kỳ vĩ của tạo hoá, kết hợp hài hoà giữa điêu khắc và hội hoạ, điều đặc biệt, tác phẩm nghệ thuật đó luôn biến đổi dáng hình, màu sắc theo thời gian, góc nhìn… tạo nên những cảnh sắc khác thường, đưa người người ngoạn cảnh mê mải từ khoảnh khắc này tới khoảnh khắc khác.

 

Một buổi chiều trên vịnh Hạ Long (ảnh Thao Nguyễn)

 

Vẻ đẹp của vịnh Hạ Long từng làm say đắm lòng người các thế hệ, làm rung động trái tim các nhà văn, nhà thơ, nhà nghệ thuật từ xa xưa đến nay, trong và ngoài nước, trở thành đề tài mãi mãi không bao giờ vơi cạn để họ sáng tạo, ngợi ca. “Việc Hội đồng Di sản thế giới quyết định công nhận vịnh Hạ Long vào Danh mục Di sản thế giới là sự khẳng định mang tính pháp lý quốc tế đối với một Di sản mà những giá trị toàn cầu không thể phủ nhận” (theo Thi sảnh – vịnh Hạ Long hành trình một kỳ quan)./.