Tuyến 3: Du lịch tâm linh

Đăng lúc 16:26:13 Ngày 09/10/2019 | Lượt xem 2226 | Cỡ chữ

- Thời gian tham quan:  khoảng 8 – 10  tiếng (di chuyển bằng phương tiện ô tô hoặc xe điện).
- Các điểm tham quan trong tuyến: chùa Lôi Âm, đến Cái Lân, chùa Long Tiên, Bài Thơ cổ trên vách đá núi Bài Thơ, Đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn, Trung tâm Văn hóa núi Bài Thơ.
- Hành trình tham quan: xuất phát từ chùa Lôi Âm du khách hành trình lên núi Lôi Âm để thưởng ngoạn phong cảnh sơn thủy hữu tình, tìm hiểu giá trị lịch sử văn hóa chùa Lôi Âm. Tiếp tục hành trình, ô tô đưa quý khách đến tham quan đền Cái Lân, chùa Long Tiên, đền Đức Ông  Trần Quốc Nghiễn, Trung tâm Văn hóa núi Bài Thơ. Điểm cuối cùng trong hành trình tham quan, xe ô tô đưa quý khách tìm hiểu giá trị lịch sử văn hóa của những Bài Thơ cổ trên vách đá núi Bài Thơ. 


Chùa Lôi Âm: nằm trên địa phận phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, cách Thành phố Hạ Long khoảng 20 km về phía Tây,  với tổng diện tích: 0,341 ha. Chùa nằm trên núi Lôi Âm trên độ cao 359m. Chùa được xây dựng vào năm Quang Thuận, triều Lê Thánh Tông (1460-1469), thế kỷ XV. Chùa Lôi Âm quay hướng Đông Nam, lưng dựa vào núi mặt trông ra hồ Yên Lập. Chùa xây dựng theo kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Hiện vật còn lại là bức tường Tiền đường, tường Hậu cung, gạch lát nền, ngói mũi hài, đá kê chân cột, thống đá, giếng – ao chùa, ruộng chùa 36 mẫu, khu vườn tháp với 07 tháp gạch và 01 tháp đá có ghi dòng chữ “Phổ Minh tháp”, 05 bia đá có niên đại thế kỷ XVII và một cây hương đá (tứ trụ) cao 2,48m, rộng 0,26m. Trên bia đá và cây hương có khắc hình hoa sen, hoa cúc, lưỡng long chầu nguyệt, rồng thời Lê niên đại Vĩnh Tộ bát niên (1626); Chính Hòa vạn niên (1650). Trải qua thời gian, sự thăng trầm lịch sử chùa đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần: lần thứ nhất, tháng 10/1626 niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 8; lần thứ hai, năm 1660 niên hiệu Vĩnh Thọ; lần thứ ba, năm 1850 niên hiệu Tự Đức thứ 3…tháng 8/2001 chùa được phục hồi xây dựng lại trên nền móng cũ cung Tam Bảo, tượng pháp, hoành phi, câu đối và nhiều đồ thờ tự khác. (Trích từ trang 46-50, Lễ hội Quảng Ninh của tác giả Nguyễn Đức Tý – Nguyên phó Ban quản lý di tích thắng cảnh Quảng Ninh, 2006, xuất bản Sở văn hóa thông tin Quảng Ninh )

Lễ hội chùa Lôi Âm diễn ra vào ngày 27/1 Âm lịch tại khu vực chùa chính. Đầu tiên là Nghi thức nhà nước, tiếp đến là nổi trống khai Hội và Lễ dâng hương tưởng niệm. Phần Lễ Phật do nhà sư hành lễ cùng đông đảo các tín đồ phật tử. Đã từ lâu, chùa Lôi Âm được đông đảo du khách thập phương trong và ngoài nước biết với phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, du khách đến đây không chỉ thưởng ngoạn phong cảnh non thiêng hùng vĩ trên núi Lôi Âm mà còn tìm hiểu giá trị lịch sử văn hóa của chùa Lôi Âm. Để đến được chùa Lôi Âm, du khách phải đi bằng đò ngang qua hồ Yên Lập với cảnh đẹp nên thơ và hành hương trên quãng đường rừng khoảng gần một cây số với nhiều trải nghiệm thú vị.
 
 Đền Cái Lân: thuộc phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, với tổng diện tích 0,388 ha. Theo truyền thuyết đền xây dựng từ lâu đời, đã trải qua nhiều lần trùng tu. Đền được xây dựng kiên cố như hiện nay là vào năm 1995. Đền quay hướng chính Nam với kiến trúc chữ Nhị. 
Tương truyền, đền Cái Lân có từ thời nhà Trần. Do vị trí chiến lược là nơi đổ ra biển của 6 cửa sông, Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn đã có dịp cho quân qua đây khảo sát địa hình, sau đó nghỉ lại một đêm và sáng hôm sau đi về phía Cửa Ông. Vùng lạch Cái Lân này cũng là nơi trôi dạt rất nhiều xác của quân lính nhà Trần. Hưng Đạo Đại Vương đã cho xây dựng ở đây một ngôi đền để cai quản sông nước, và Ngài đã mang chân nhang từ ngôi đền Mẫu Thác Hàn Sơn ở huyện Hà Trung, nơi bến Đò Lèn mãi tận Thanh Hoá về để trấn yểm cho Đền. Nhiều người cho rằng, chính sự linh thiêng của Thánh Mẫu đã giúp cho quan quân nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông trong nhiều trận thuỷ chiến ở miền Đông Bắc. Trước kia ngôi đền có nhiều bức tượng, trong đó có tượng mẫu mặc sắc phục trắng (danh hiệu Bạch Ngọc Thuỷ tinh), kích thước to bằng người thật, đôi mắt như có linh hồn, dù mình đứng ở đâu cũng như thấy Mẫu đang nhìn mình. Phía trước ngôi đền có hai pho tượng đôi mắt rất sắc, nhìn rất dữ, buổi chiều muộn không ai dám lại gần. Ngoài ra, còn có tượng 5 vị quan lớn, tượng cô và tượng cậu ở bên ngoài. Hiện nay, ngôi đền đã được làm đi làm lại đến mấy lần; khi xây dựng Cảng Cái Lân, người ta còn di chuyển đền lên khu vực phía trên đồi cao, nên phần lớn những hiện vật xưa đã bị thất lạc. Vào năm 1986, người ta tìm được ở khu vực đền cũ rất nhiều tiền cổ, đồ cổ. Điều đó chứng tỏ rằng, trước kia khách thập phương đến lễ đền và cúng tiến rất nhiều. Nhưng hiện giờ, mọi dấu vết đã bị thay đổi, mặt bằng đã bị san lấp đi rất khác xưa, không ai biết chính xác những đồ cổ ấy bị chôn vùi ở điểm nào. Năm 2009, người ta dựng thêm một ngôi chùa bên cạnh đền trong khu vực cảng Cái Lân. Do linh thiêng nên du khách thập phương vẫn đến tham quan, thắp hương cầu may mắn nơi Đền cũ.

 
Chùa Long Tiên: Chùa Long Tiên là một di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa núi Bài Thơ, được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích Cấp quốc gia ngày 31/8/1992. Chùa nằm vị trí khá thuận lợi, nằm ngay trung tâm thành phố Hạ Long, là điểm du lịch tâm linh  thu hút đông đảo du khách thập phương đến thăm hàng năm. Chùa được xây dựng vào năm 1941, là ngôi chùa lớn nhất ở thành phố Hạ Long với phong cách kiến trúc độc đáo, mang phong cách kiến trúc và điêu khắc của các ngôi chùa thời nhà Nguyễn. Trên đỉnh tam quan là tượng phật Adiđà với tư thế ngồi, dưới là gác chuông, nổi bật ba chữ “Long Tiên Tự”. Hai bên là hai câu đối, chính điện thờ Phật, bên phải thờ các tướng lĩnh nhà Trần, bên trái là cung Tam Phủ Thánh Mẫu, tất cả các tượng Phật tại đây đều được đúc bằng đồng nguyên khối, những tượng chính còn được dát vàng. 

Trước kia, chùa Long Tiên mở hội chính vào ngày 24/3 (âm lịch). Hội chùa Long Tiên kéo dài từ tháng Giêng đến hết tháng hai âm lịch hàng năm, thu hút rất nhiều khách thập phương, là nơi gửi niềm tin vào thế giới tâm linh của người dân địa phương và khách du lịch.
 
Đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn: là di tích nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa núi Bài Thơ, đã được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia ngày 31/8/1992. Đền do nhân dân xây dựng lại vào khoảng đầu thế kỷ 20 trên một nền đất cao, mặt hướng ra Vịnh Hạ Long với mục đích để tưởng nhớ công lao của Đức ông Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, con trai cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và là vị tướng tài trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của dân tộc ta. Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn đã được phục dựng và tổ chức thường xuyên hàng năm từ năm 2008. Tuy nhiên từ năm 2015, lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được tổ chức 02 năm/lần (năm chẵn). Ngày nay lễ hội đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân thành phố Hạ Long. Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn không chỉ có ý nghĩa gợi nhắc về truyền thống lịch sử - văn hóa mà còn là dịp để giáo dục nâng cao lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ về giá trị di sản văn hóa của cụm di tích lịch sử văn hóa Núi Bài Thơ.

Trung tâm Văn hóa núi Bài Thơ: Có địa thế đẹp, nằm giữa trung tâm thành phố Hạ Long. Đứng trên khuôn viên của Trung tâm, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm khung cảnh tuyệt đẹp của vịnh Hạ Long. Nơi đây là một địa điểm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng và là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ, là nơi có thể tổ chức các hoạt động trưng bày triển lãm, hội nghị, hội thảo, khen thưởng học sinh xuất sắc trong năm học. 

Bài Thơ cổ trên vách đá núi Bài Thơ: hiện nay trên vách đá núi Bài Thơ còn lưu giữ 07 bài thơ cổ được khắc trên đá, vào các thời điểm khác nhau. Bài thơ có niên đại sớm nhất là bài thơ vua Lê Thánh Tông, khắc vào năm 1468.  Bài thơ là một bản Tuyên ngôn về chủ quyền lãnh thổ của quốc gia Đại Việt, đồng thời là ý chí quyết tâm xây dựng một đất nước hoà bình, cường thịnh và bền vững ở thời Lê. Gần 300 năm sau, năm 1729 chúa An Đô vương Trịnh Cương  đã dẫn đoàn thuỷ quân qua đây và viết bài thơ Hoạ, khắc trên vách đá, cách bài thơ Xướng của vua Lê khoảng gần 30 mét. Bài thơ được chúa Trịnh Cương viết vô cùng thoải mái và phóng túng, với ý nghĩa không chỉ nói lên ý thức bảo vệ và xây dựng đất nước mà còn nói lên tinh thần tự hào dân tộc. Đến thời Nguyễn, Nguyễn Cẩn - nguyên là Tuần phủ Quảng Yên hồi đầu thế kỷ 20, một nhà thơ với bút hiệu Hương Khuê. Ông đã khắc trên vách đá núi Bài Thơ hai bài thơ “Đề núi Truyền Đăng” và “Trùng đề Truyền Đăng sơn”, nay chỉ thấy bài thứ 2, với nghệ thuật làm thơ rất độc đáo, biểu lộ tình cảm và thái độ trước thời thế , đó là thái độ phù Lê diệt Trịnh. 
Ngoài 03 bài thơ của vua Lê Thánh Tông, chúa Trịnh Cương, Nguyễn Cẩn trên vách đá còn có 04 bài thơ khác của những tao nhân mặc khách đã đề trên núi Bài Thơ. 

 

 

7/10 742 bài đánh giá
messenger icon
Các tuyến tham quan